ClockChủ Nhật, 03/12/2017 14:31

Pù Luông - homestay & retreat

TTH - Tôi có gì trong thời gian lưu lại ở Pù Luông? Câu trả lời đến từ một trải nghiệm ngọt ngào: sự dễ chịu trong tĩnh lặng.

Về nơi “rừng biết đi”...Nắng trên núi Bà Đen

Sương chiều trên bản

1. Thủy không lên ruộng. Phần vì những thửa ruộng bậc thang của nhà cô đã gặt xong và đang trong thời gian chờ vụ mới. Lò nấu rượu bên mé hiên cũng đã tắt. Cô tranh thủ sàng sảy lại đám lúa nếp xem chừng đã khén ngoài sân chờ khách đến. Mấy chiếc nong to bản tưởng chừng quá cỡ với vóc dáng nhỏ bé nhưng chúng vẫn hoạt động nhịp nhàng dưới đôi tay thiếu phụ mảnh dẻ. Nếu sau đó Thủy không tự giới thiệu, chắc tôi sẽ không biết Thủy là người Thái vì cô nói tiếng Kinh rất nhẹ và chuẩn. Phục sức cũng bình dị và gọn gàng. Cậu bé con bụ bẫm luẩn quẩn bên mẹ trong khoảng sân sạch sẽ. Mấy chú chó nhỏ rối rít và thân thiện dưới chân khách như chả hề có sự so bì nào giữa quen và lạ.

“Lúa không được nắng chị à. Ảnh hưởng của bão đợt trước đấy mà” – Thủy nói khi thấy mắt tôi dừng lại ở đám lúa không sánh vàng. Tôi nhớ những chân rạ trên các thửa ruộng bậc thang mình vừa đi qua. Chúng cũng ủ màu trong nắng nhạt, nhưng mùi thơm thì vẫn nồng nã hồn hậu lắm. Ít ra thì đó cũng là lời chào dễ thương khi xe lăn bánh thận trọng trên quãng đường gập gềnh đất đá. Con đường này chúng tôi được Google map chỉ dẫn. Có lẽ cũng chỉ có ô tô và người chưa quen địa hình mới “lạc trôi” vào tuyến này. Ngoại trừ điều đó, Pù Luông – một địa danh thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa – thật yên tĩnh và hiền hòa khi chiều xuống. Tôi nhớ mình cũng đã bật cười khi trông thấy đội vịt béo mập và lũn tũn chạy trước mũi xe như không biết phía sau mình đang có một nguy cơ. Chúng làm tôi nhớ đám ngỗng lạch bạch đến là dễ thương khi chạy theo bà nông dân người Nhật đã xem lúc nào đó khi lướt mạng.

Khách đến Pù Luông

Trên con đường bản thoải dốc, có một người đàn bà với chiếc gùi đầy nhóc những củi. Câu chuyện cũng lưng lửng như triền dốc khi bà nói tên mình là Nở, giọng chậm như những bước đi trĩu nặng: “Không làm nương thì vào rừng lấy củi thôi. Ngày nào cũng ba lần thế này. Khổ lắm đấy cô khách à!”. Tôi theo lên nhà bà trong khi tha thẩn chờ cơm. Chiều đang xuống chậm. Những đám mây đang thấp dần để chuẩn bị vào tối. “Sao bá không làm homestay đón khách thêm như mấy người trong bản của mình đi, nhà mình đẹp mà. Lại có hẳn một công trình phụ bài bản đến thế này?”. “Mình cũng thích đấy nhưng phải đợi đủ tiền đã! Bản giờ đã có 11 nhà đón khách rồi đấy”. Câu trả lời tôi nghe có lẫn chút phấp phỏng.

Không thấy khói, hay mây mù đã cuộn chúng đi mất tôi cũng không rõ nữa. Tiếng nước vẫn róc rách chảy vào từng bậc ruộng cao thấp. Chúng được dẫn về từ suối, từ mương thủy lợi bằng bê tông hẳn hoi qua những ống luồng và cả ống cao su mà chúng tôi trông thấy khi tha thẩn ở con đường quanh co dưới triền đồi. Dưới nhà sàn của Thủy có hẳn mấy chồng ống nhựa màu đen như thế. Câu chuyện nhẩn nha khi bữa cơm chiều được dọn đủ để tôi biết, nhà Thủy cơ bản đủ gạo ăn khi làm 5 sào lúa hai vụ. Homestay thì mới, khách cũng chưa nhiều nên chưa tính được lời lãi như thế nào. Nhưng mà làm thì vui đấy – bố chồng Thủy vui miệng kể với khách. Nhà sắm cả chục bộ nệm gối, chăn màn để có thể phục vụ cả nhóm khách đông. Con dâu thì được huyện cho đi học mươi ngày cùng những nhà làm homestay khác của Bá Thước này để làm dịch vụ và biết nhiều cách nấu nướng hơn. Nhà này còn ít chứ bản cũng đón nhiều khách tây rồi. Đấy, vừa có đoàn khách đến nhà Thục ở phía trên kia. Nhà ấy thì chuyên hơn vì người ở Hà Nội lên thầu nguyên nhà. Nhưng con trai của ông – cũng là chồng Thủy có vẻ cũng “ăn khách” vì cậu là nhân viên bảo vệ của khu nghỉ dưỡng phía trên kia, thỉnh thoảng lại được giao dẫn khách đi trekking mấy bản xung quanh nên biết cách làm dịch vụ.

Pù Luông trong nắng. Ảnh: Puluong Retreat

Cơm gạo mới nên ngọt quá chừng. Dĩa gà hấp còn nóng có thêm lá chanh. Trừ món thịt nướng chắc Thủy vừa mua lúc sáng khi người bán rong rảo qua, món lòng gà xào măng chua và thịt cuốn lá lốt từ vườn nhà có lẽ mang đậm phong vị bản địa nhiều nhất. Có loại ớt gì nhỏ líu xíu và một chút rượu gạo làm thơm nồng cả lưỡi.

Giấc ngủ đã trôi về sau nửa ngày rong ruổi 190 km bắt đầu từ Hà Nội, qua đường Hồ Chí Minh, rẽ vào Quốc lộ 217 và men theo hai dãy núi Pù Luông trên tuyến 15C. Lũ gà thức dậy quá sớm nên chúng đánh thức chúng tôi ngay khi trời còn mờ tối. Có thể cảm nhận được sương lạnh khi gió ẩm khẽ len vào cánh cửa nhỏ, cả mùi gỗ mới nơi cầu thang vừa được gia cố thêm lúc chiều. Không thể có một cái nhìn tổng thể về khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhưng chúng tôi vẫn thích thú đuổi theo những vệt nắng đang loang dần trong sương trên mấy đỉnh núi. Nếu có thêm một ly đen đá, với tôi mọi thứ sẽ đáng yêu hơn, nhưng biết đâu một sự đủ đôi khi lại là quá nuông chiều bản thân?

Ngày bình yên ở bản

2.  Không hẳn là nơi ẩn dật nhưng chắc chắn Pù Luông Retreat là một nơi dành cho những ai thích trốn tránh xô bồ nơi phố thị trong một khoảng thời gian nào đó. Tiếc là chúng tôi đã tạm lánh vào nơi này khi vừa qua mùa lúa chín. Kể ra thì việc thu xếp một chuyến đi đôi khi không phụ thuộc vào ý thích được, hơn nữa mãi mới tìm được phòng để dừng lại trong một khoảng thời gian ít ỏi. Nơi này cũng được đưa vào hoạt động chưa lâu, nếu kể cả việc tạm dừng lại để hoàn thành các thủ tục bổ sung cần thiết nữa trong khoảng thời gian 4 tháng nên mọi thứ còn rất mới, với những tiện nghi mộc mạc vừa đủ.

Những người mặc đồng phục ở khu Retreat này là những chàng trai cô gái còn trẻ, nếu tôi không nhầm thì nhiều nhất trong số họ cũng chỉ là 8X mà thôi, thế nhưng khách của họ lại đến từ rất nhiều nơi, với các thứ tiếng khác nhau. Chỉ việc phải đặt lịch mãi mới tìm được chỗ trong nhà sàn tập thể, phòng deluxe hay suite bungalow ở Retreat- nơi chỉ đủ cho 35-38 khách/ngày đã cho thấy thành công của mô hình ở một nơi tưởng như là quá xa xôi này.

Lúa muộn ở Kho Mường

Đã lưu lại homestay, đã đi Kho Mường và tranh thủ bấm được vài kiểu ảnh ở nơi lúa chín muộn nhất của Bá Thước và đến cả chợ phiên Phố Đoàn, nên điều mà tôi thích không phải là việc leo lên một chiếc bè tre trên sông, chèo kayak trên suối... như cách mà khách nước ngoài thường chọn để trải nghiệm khi dừng lại mà là ngồi ở ban công, nhìn ra những ruộng lúa sau khi thư giãn trong nước ấm. Thú vị ngay cả khi đặt những bước chân trần trên lớp sàn ngoài ban công bằng tre mộc đã qua xử lý. Chai vang Pháp mang theo đã hết từ tối hôm trước, nhưng nhâm nhi tiếng côn trùng rỉ rả trong làn gió đêm khi chúng sượt qua đám lá cũng là cảm giác rất “đỉnh”. Đó là khi ta chỉ còn lại với ta. Là khi không phải nghĩ ngợi một điều gì trong một cảm giác quá chừng thi vị.

Canh thịt bò lá lồm và món vịt luộc Cổ Lũng có thể không phải là điều đáng nhớ và kém ngon so với cơm Thủy nấu hôm trước. Cũng có thể vì chúng tôi đã chọn thực đơn rất ngẫu hứng. Bù lại, ly cafe lúc trưa muộn đậm như cafe thường uống, nhất là khi ta ngồi bên chiếc bàn ngó xuống con đường nhỏ tràn đầy hoa ngũ sắc và những cánh bướm rập rờn lúc nắng về. Tiếng trò chuyện đủ khẽ của những vị khách Tây vừa trở vào như ngại làm tổn thương không gian yên vắng. Cú trợt chân bất ngờ xuống hồ bơi kiểu vô cực một bên góc vườn sau đó của bạn trong nhóm đồng hành lúc selfie chắc chắn sẽ là một kỷ niệm mà Retreat muốn gửi gắm và đánh dấu.

Khác với hôm trước, đánh thức tôi là cơn mưa lúc sáng sớm phía ngoài mái tranh của bungalow. Rồi tiếng suối rì rầm khi mưa ngưng và tiếng mấy phụ nữ Thái trên thửa ruộng trước mặt. Không nhìn rõ người, nhưng chắc là những chia sẻ thường ngày giữa những người đàn bà.

Sự hiện diện của Pù Luông Retreat đã làm thay đổi người dân bản Đôn, bản Hiêu, Bản Nủa, Kho Mường... Bằng chứng là có rất nhiều homestay đã đi vào hoạt động với sự tham gia hào hứng của người dân sở tại. Không phải là số đông, nhưng dường như họ đã biết cách đặt chân vào dòng chảy khác của đời sống bên ngoài. Bằng không thì chắc gì bố chồng của Thủy – người cho đến giờ mới chỉ đến “thủ phủ” xứ Thanh đôi lần hồi trai trẻ có thể ngồi trò chuyện với khách đến từ xa những điều mà ông biết. Chắc gì chồng của cô có thể giao tiếp được với khách Tây trong chừng mực có thể, và đến bao giờ những nữ chủ nhân homestay người Thái như cô mới biết cách nấu những món ăn vốn quá chừng xa lạ với đồng bào? Tôi nhớ Thủy còn nói về việc khách Tây chỉ thích ăn gà công nghiệp, ăn súp hơn là cơm hay xôi cô nấu...

Pù Luông Retreat do vậy đã mang đến cơ hội cho nhiều người. Cho cả những người như chúng tôi có thêm những trải nghiệm thật khác, với những khoảnh khắc sâu thẳm của bình yên mộc mạc không phải ai cũng dễ có trong đời.

Bài, ảnh: HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư homestay ở vùng ven biển, đầm phá

Gia đình ông Lê Bá Trung ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) là hộ đang đầu tư bài bản để xây dựng homestay quy mô, thực hiện mô hình homestay tại các xã ven biển, đầm phá, góp phần phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Đầu tư homestay ở vùng ven biển, đầm phá
Vườn hồng & homestay dưới chân Bạch Mã

Từ tình yêu với hoa hồng, chị Trương Hoàng Ánh Tuyết (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) ấp ủ thành lập một homestay tràn ngập sắc hoa. Hơn thế, đó còn là mắc xích kết nối với cộng đồng, quảng bá nét đẹp và văn hóa vùng Bạch Mã đến với du khách.

Vườn hồng  homestay dưới chân Bạch Mã

TIN MỚI

Return to top