ClockChủ Nhật, 09/10/2016 07:11

Thăm pháo đài Castillo de San Marcos

TTH - Tháng 4/2016, tôi có viếng thăm pháo đài Castillo de San Marcos thuộc thành phố Saint Augustine nằm ở miền bắc tiểu bang Florida (Mỹ).

Đây là pháo đài xưa nhất ở nước Mỹ, do người Tây Ban Nha khởi công xây dựng vào năm 1672, hoàn tất vào năm 1695, khi vùng đất Florida này là vùng đất thực dân thuộc quyền cai trị của Tây Ban Nha.

Toàn cảnh pháo đài Castillo de San Marcos

Tòa pháo đài kiên cố được kiến thiết bằng gạch và đá, tọa lạc ngay vùng cửa sông dẫn vào thành phố Saint Augustine, là nơi mà người Tây Ban Nha triển khai lực lượng phòng thủ để bảo vệ tuyến giao thương huyết mạch do họ làm chủ ở vùng đất “Tân thế giới”. Sau hơn 320 năm tồn tại, tòa pháo đài vẫn còn giữ được nguyên trạng và được công nhận là Di tích quốc gia (National Monument) của nước Mỹ và là một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đặt chân đến tiểu bang Florida.

Sau khi Christophe Columbus tìm ra châu Mỹ vào năm 1492, đầu thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha cử nhiều hạm đội sang vùng đất mới được phát hiện, tiến hành chiến tranh với người Indian bản xứ và lập nên những vùng đất thực dân ở châu Mỹ. Trong thời kỳ này, người Tây Ban Nha đã xâm chiếm những hòn đảo lớn trong vịnh Caribe, vùng đất Mexico, Trung Mỹ và những lãnh thổ rộng lớn ở Nam Mỹ, sau này là các quốc gia như Colombia, Venezuela và Peru. Thực dân Tây Ban Nha đã khai thác khoáng sản và các sản vật tự nhiên quí báu ở châu Mỹ chở về “mẫu quốc”. Hành trình trở về Tây Ban Nha đi ngang qua vùng đất sau này là tiểu bang Florida của nước Mỹ, nhờ lợi dụng dòng chảy của dòng nước Gulf Stream chảy dọc theo bờ biển Florida, nên tàu bè di chuyển nhanh chóng và thuận tiện hơn. Vì thế, thực dân Tây Ban Nha nhanh chóng chiếm cứ vùng đất này và thành lập những điểm đóng quân để bảo vệ cho tàu bè của họ cũng như nắm giữ con đường giao thương huyết mạch này.

Hiện vật trưng bày bên trong pháo đài Castillo de San Marcos

Các con tàu Tây Ban Nha lúc đó chở rất nhiều sản vật và hàng hóa khai thác được từ những vùng đất thực dân như vàng bạc, đường, chocolate, ngọc trai… Vì thế, đó cũng là mục tiêu tấn công của bọn cướp biển trong vùng biển Caribe và vùng vịnh Florida. Vì lý do này mà đế quốc Tây Ban Nha quyết xây dựng một pháo đài kiên cố ở Saint Augustine, đặt ở đây một lực lượng phòng thủ mạnh để bảo vệ hải lộ quan trọng, đồng thời sẵn sàng đánh trả bọn cướp biển, bảo vệ những con tàu chở hàng hóa từ châu Mỹ trở về “mẫu quốc” đi qua cung đường này.

Lúc đầu pháo đài được xây cất bằng gỗ, nhưng trước sự tấn công của cướp biển, cũng như của các nước thực dân khác như Anh và Pháp, người Tây Ban Nha đã dựng nên một pháo đài Castillo de San Marcos kiên cố, bất khả xâm phạm và không thể đốt cháy. Thực tế là trong các năm 1702, 1728 và 1740, quân Anh đã 3 lần tấn công vào thành phố Saint Augustine, thiêu rụi thành phố này nhưng không bao giờ xuyên thủng các bức tường của pháo đài Castillo de San Marcos.

Cầu treo bắc qua hào sâu, dẫn vào pháo đài Castillo de San Marcos

Năm 1763, người Anh ký với người Tây Ban Nha một thỏa thuận trao đổi thành phố La Habana ở Cuba cho người Tây Ban Nha để giành quyền kiểm soát pháo đài Castillo de San Marcos và thành phố Saint Augustine. Họ đổi tên pháo đài thành Saint Mark, và Saint Augustine trở thành thủ phủ của vùng đất Đông Florida thuộc Anh. Sau 20 năm chiếm đóng, năm 1783, người Anh lại ký một hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha tại Paris (Pháp), chuyển giao trở lại quyền quản lý Saint Augustines và pháo đài Castillo de San Marcos cho người Tây Ban Nha. Đến năm 1819, Tây Ban Nha lại ký Hiệp ước Adams-Onís, nhường vùng đất Florida cho lực lượng các bang miền Nam nước Mỹ. Năm 1821, pháo đài Castillo de San Marcos được quân đội các bang miền Nam của Mỹ tiếp quản, và được đổi tên là pháo đài Marion để vinh danh người anh hùng trong cuộc chiến tranh cách mạng của Mỹ là Francis Marion. Năm 1942, Quốc hội Mỹ đã ban hành một đạo luật, đổi tên pháo đài Marion trở về tên gọi nguyên thủy là Castillo de San Marcos, sau khi đã công nhận nơi này là Di tích quốc gia vào năm 1924. Ngày nay, pháo đài Castillo de San Marcos được đặt dưới quyền quản lý của Cơ quan quản lý các công viên quốc gia của Mỹ, trực thuộc chính phủ.

Về mặt kiến trúc, Castillo de San Marcos là một pháo đài hình ngôi sao 4 cánh, như nhiều pháo đài ở châu Âu thời trung cổ. Pháo đài có 4 pháo lũy đặt ở 4 góc thành, nhìn ra 4 hướng, là nơi có dàn trọng pháo dùng để bảo vệ bờ biển. Pháo đài có tổng diện tích là 20,48 mẫu Anh (8,29 ha), bên trong vòng tường thành có hệ thống nhà ở, công sự, nhà kho chứa súng đạn, chất nổ và đạn trọng pháo, đặc biệt là các kho chứa lương thực và thực phẩm có thể giúp cho binh lính trong pháo đài cầm cự lâu ngày mỗi khi nơi này bị kẻ thù vây hãm. Nhờ vậy mà có lần Castillo de San Marcos bị bao vây trong suốt 50 ngày nhưng vẫn không thất thủ.

Trong thời gian người Mỹ tiếp quản pháo đài này từ tay thực dân Tây Ban Nha, họ đã sử dụng nơi này để giam giữ những người Mỹ bản xứ gốc Indian ở hai bang Florida và Great Plains, bị bắt giữ trong các cuộc đấu tranh phản kháng người Mỹ da trắng gốc Âu. Vì thế, nhiều kiến trúc trong trong pháo đài đã bị thay đổi công năng. Chỉ sau khi trở thành Di tích quốc gia thì người Mỹ mới bảo tồn Castillo de San Marcos như hình dạng và công năng nguyên thủy.

Ngày nay, pháo đài Castillo de San Marcos là một điểm tham quan thu hút nhiều du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Với giá vé tham quan là 12 dollar, nhưng thường được miễn phí trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của nước Mỹ, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tham quan tòa thành cổ nhất nước Mỹ. Ở đó, họ sẽ được chứng kiến một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, với những vết tích hơn 300 năm tuổi, những khẩu đại bác uy nghi, những phòng trưng bày chứa những hiện vật và những thước phim tư liệu gợi lại những ký ức sống động của nước Mỹ.

Bước chân lên mặt thành, nhìn về vùng cửa sông, du khách sẽ được chứng kiến những trận đấu súng, những cuộc cướp bóc bất thành của bọn cướp biển đối với các con tàu chở hàng của đế quốc Tây Ban Nha, trong tiếng pháo nổ đì đùng từ những chiến hạm trên sông và những màn rượt đuổi ngoạn mục. Đó là những hoạt cảnh được tái hiện để phục vụ du khách. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, tại pháo đài Castillo de San Marcos còn diễn ra những màn bắn đại bác, do các “pháo thủ” vận trang phục của người Anh khi họ nắm quyền quản lý nơi này vào cuối thế kỷ XVIII.

Ban quản lý di tích còn tái hiện những màn đấu kiếm, đánh trận, bắn súng… để thu hút sự chú ý của trẻ em, đồng thời, đây cũng là một cách truyền đạt lịch sử nước Mỹ rất sinh động và hấp dẫn đối với lứa tuổi học đường.

Rời khỏi tòa thành cổ trên chiếc cầu treo bằng gỗ bắc qua con hào sâu vây quanh pháo đài, du khách đi bộ 15 phút là đến khu phố cổ Saint Augustine, do người Tây Ban Nha xây dựng vào thế kỷ XVII. Nơi đây còn bảo tồn một số kiến trúc của thời kỳ thực dân, trong đó có ngôi trường nữ sinh lâu đời nhất nước Mỹ, được công nhận là di tích quốc gia. Ở đó còn có những con đường lát đá với những cửa hàng bán đồ lưu niệm, đầy ắp các món hàng thủ công do người dân địa phương tự tay chế tác, cùng những cửa hàng bán chocolate tươi và món kem “ngon chưa từng thấy”. Ở đó còn có những quán bia ven đường phục vụ những vại bia địa phương và món hot-dog đặc sản của tiểu bang Florida.

Sau khi viếng thăm một nơi rất đáng xem, rất đáng để tìm hiểu về một thời kỳ quan trọng trong lịch sử nước Mỹ và đáng để học hỏi cách thức bảo tồn di tích lịch sử và khai thác di tích này để phục vụ du lịch của người Mỹ, tôi và người bạn đồng hành, dân Florida gốc Huế, ghé lại một quán bia trong phố cổ, cùng nâng ly chúc mừng cuộc hạnh ngộ trên đất Mỹ và ngắm ánh hoàng hôn đổ bóng trên tòa pháo đài xưa.

Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra mắt bộ sách về Huế của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn

Ngày 10/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Công ty sách Omega Việt Nam tổ chức buổi giao lưu và ra mắt bộ sách về Huế của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hội sách nửa giá diễn ra từ ngày 8 đến 12/10.

Ra mắt bộ sách về Huế của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn
Vài góp ý với phố đi bộ

Chính những khác biệt này đã cho tôi cái cảm giác thích thú, tò mò khi dạo chơi trong những khu phố đi bộ ở nước ngoài, và thất vọng, mệt mỏi khi phải chen chúc trong những khu phố đi bộ đông đúc nhưng nhạt ở Việt Nam.

Vài góp ý với phố đi bộ
Return to top