Phố đi bộ trong khu China Town ở Nagasaki (Nhật Bản)
1. Sau phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc bờ nam sông Hương từ Trung tâm dịch vụ Festival đến cầu Trường Tiền, cuối tháng 9 vừa qua, Huế khai trương tuyến phố đi bộ mới, nối 3 con đường Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An, biến nơi này thành một điểm vui chơi, giải trí của du khách và người dân địa phương vào các đêm thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.
Trước tiên, cần ghi nhận đây là một nỗ lực của chính quyền, ngành du lịch ở Huế và của các hộ dân, hộ kinh doanh ở trong khu vực này, trong việc tạo ra một khu vui chơi giải trí về đêm, vốn rất thiếu vắng ở vùng đất mà người ta hay nói đùa là “đi ngủ trước gà” này.
Tôi không có cơ hội tham dự lễ khai trương phố đi bộ mới này vào tối 29/9/2017, nhưng xem những clip ghi lại sự kiện này đăng tải trên một số báo điện tử và mạng xã hội, thì thấy quả là hoành tráng, sinh động và náo nhiệt. Chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc bắt mắt, hàng quán tấp nập kẻ bán người mua, những nghệ sĩ đường phố biểu diễn với mục đích “vui là chính”, du khách và dân địa phương cùng nhau nhảy múa, hát hò...
Cuối tuần rồi, tôi tìm đến phố đi bộ mới này, thấy bớt tấp nập hơn, dù khung cảnh vẫn y như trước, vẫn có các nghệ sĩ đường phố biểu diễn, vẫn thấy Tây - Ta hát hò và dzô dzô ở mấy hàng quán vỉa hè, và nhiều người dân địa phương ngó ngó nghiêng nghiêng nơi các quầy hàng bán đồ lưu niệm.
Thế là tôi lại lo lo…
2. Tôi đi du lịch ở nhiều nơi, có cơ hội trải nghiệm trong nhiều khu phố đi bộ ở: Sài Gòn, Hà Nội, Hội An, Cần Thơ, Sa Pa…; Paris, Bruxelles, Berlin, Venise, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải… Từ những trải nghiệm này, tôi có nhận xét như sau:
- Các khu phố đi bộ ở Việt Nam chủ yếu là nơi mua sắm và ăn uống về đêm, được hình thành ở những nơi có nhiều hàng quán kinh doanh, nhiều du khách lui tới và thường là tạm bợ, trừ phố đi bộ ở Hội An vốn một những khu dân cư sinh sống ổn định từ hàng trăm năm nay và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong khi đó, các khu phố đi bộ ở nước ngoài, nhất là ở các nước phương Tây thì thường ở khu trung tâm, nơi có quảng trường rộng rãi, có tòa thị chính, các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng, các thiết chế văn hóa - nghệ thuật tiêu biểu của thành phố/địa phương ấy.
- Hoạt động tại các khu phố đi bộ ở Việt Nam thường kết thúc sớm, rồi nhanh chóng thu dọn, “ai về nhà nấy” để trả lại mặt bằng và nhịp sinh hoạt bình thường cho nơi này vào ngày hôm sau. Trong khi đó, các khu phố đi bộ ở nước ngoài thì hoạt động diễn ra dài hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn và ít bị áp lực “trả lại mặt bằng” cho khu phố do phần lớn những người kinh doanh, cung cấp dịch vụ… là những người sống cố định tại các khu phố này.
- Du khách đến các khu phố đi bộ ở Việt Nam thường chỉ để ăn uống và mua sắm nhỏ lẻ. Trong khi, du khách đến các khu phố đi bộ ở nước ngoài, ngoài các nhu cầu trên còn để thưởng thức các chương trình nghệ thuật, thưởng lãm các công trình kiến trúc tiêu biểu, các tượng đài, tác phẩm nghệ thuật… hiện hữu trong các khu phố đi bộ.
- Tại nhiều khu phố đi bộ ở Việt Nam, chính quyền hoặc một nhà tài trợ nào đó trả tiền để duy trì các chương trình nghệ thuật, thậm chí trả thù lao cho các nghệ sĩ đường phố để họ biểu diễn cho du khách và người dân địa phương xem. Vì có nhà tài trợ, nên những chương trình biểu diễn này thường rập khuôn, thiếu sáng tạo. Và, vì một lý do nào đó mà nguồn kinh phí này bị ngưng, thì các chương trình nghệ thuật trên phố đi bộ cũng chấm dứt theo. Trong khi đó, những chương trình nghệ thuật trên các phố đi bộ ở nước ngoài thường là những chương trình đặc sắc, có thu phí vào cửa; còn các nghệ sĩ đường phố thì kiếm tiền do du khách trực tiếp ủng hộ sau khi xem họ biểu diễn. Vì thế nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những tiết mục hay hơn, hấp dẫn hơn để thu hút du khách và kiếm tiền từ họ.
- Hàng lưu niệm trong các khu phố đi bộ ở nước ngoài rất phong phú và có tính bản địa rất cao, rất nhiều mặt hàng là sản phẩm thủ công cao cấp của địa phương. Vì thế du khách rất thích lui tới những nơi này và mua sắm hàng quà của địa phương để kỷ niệm chuyến du lịch của mình. Trong khi đó, hàng lưu niệm tại các khu phố đi bộ ở Việt Nam thường rất giống nhau, đa số là có nguồn gốc Trung Quốc, nên không hấp dẫn du khách mua sắm.
Chính những khác biệt này đã cho tôi cái cảm giác thích thú, tò mò khi dạo chơi trong những khu phố đi bộ ở nước ngoài, và thất vọng, mệt mỏi khi phải chen chúc trong những khu phố đi bộ đông đúc nhưng nhạt ở Việt Nam.
3. Trở lại với 2 tuyến phố đi bộ ở Huế, theo tôi, nó chưa như kỳ vọng của du khách và người địa phương. Bởi lẽ, cả hai tuyến phố đi bộ này đều quá ngắn và hẹp; hoạt động ở đây mang tính tạm bợ nhiều hơn, bởi đa phần người kinh doanh, cung ứng dịch vụ hay biểu diễn nghệ thuật đều từ nơi khác đến. Xong việc họ phải thu dọn mọi thứ, trả lại cảnh quan và nhịp sinh hoạt thường ngày cho nơi này rồi lui về nơi ăn ở cố định của mình.
Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kế cận với những “địa chỉ văn hóa” của Huế như Công viên tượng đài Phan Bội Châu, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị (mới chuyển đến), Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán… Song, những nơi này đều đóng cửa vào ban đêm, lại có tường rào ngăn cách với phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu nên du khách khó có cơ hội tiếp cận các nơi này. Mà có tiếp cận thì cũng không biết xem gì, thưởng thức gì ở những nơi này, vì những nơi đó vốn im lìm cố hữu mỗi khi đêm về.
Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An thì hoàn toàn không có công trình văn hóa, kiến trúc nào gắn liền. Trong khi Công viên 3 tháng 2 ở gần đó, nơi có nhiều tượng đài là tác phẩm của các nhà điêu khắc trong và ngoài nước tham gia các trại điêu khắc quốc tế ở Huế trước đây, thì luôn tối om nên chẳng thể thu hút du khách, chẳng thể cho du khách cơ hội biết thêm về văn hóa, nghệ thuật và đời sống về đêm ở Huế.
Tất nhiên, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An mới khai trương ít lâu nên còn những hạn chế, thiếu sót là hiển nhiên. Và để phố đi bộ trở nên hấp dẫn hơn thì những nhà quản lý nên có ngay những thay đổi trong mô hình tổ chức, quy hoạch không gian và quản lý hoạt động để nó trở thành một phố đi bộ như kỳ vọng.
Bài, ảnh: Trần Đức Anh Sơn