ClockThứ Sáu, 24/07/2015 09:07

Hãy thử sức với những thử thách mới

TTH - “Nếu các bạn yêu thích vấn đề gì, hãy theo đuổi nó đến cùng, đừng nên sợ khi thực hiện một ý tưởng mới. Hãy luôn đặt câu hỏi đây có phải là cách tốt nhất chưa? Đừng làm cái gì lặp đi lặp lại mà hãy thử sức với những thử thách mới”, Giáo sư (GS) Lưu Lệ Hằng (nữ giáo sư gốc Việt nhận được hai giải khoa học danh giá: Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli. Trong đó, Giải thưởng Kavli được xem như “Giải Nobel” trong thiên văn học) chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời” sáng 23/7 tại Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung (trái) và Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Văn Toàn tặng hoa GS Lưu Lệ Hằng

Buổi nói chuyện của GS Lưu Lệ Hằng về “Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời” là chương trình do Trường đại học Sư phạm Huế phối hợp với UBND tỉnh và Hội gặp gỡ Việt Nam tổ chức. PGS-TS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã đến tặng hoa GS Lưu Lệ Hằng và tham dự buổi nói chuyện thú vị này. Nhiều giảng viên, sinh viên Đại học Huế, học sinh các trường THPT tại Huế, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương và các nhà khoa học trong tỉnh đã đến nghe buổi nói chuyện.

Còn nhiều điều để khám phá

“Đến đầu những năm 1990, các nhà thiên văn học nghĩ là họ biết tất cả mọi thứ trong Hệ Mặt trời: khảo cứu về Hệ Mặt trời được cho là đã hoàn chỉnh. Nhiều nhà thiên văn chắc chắn đã đặt câu hỏi: tại sao phải bận tâm nghiên cứu Hệ Mặt trời trong khi chúng ta đã biết tất cả mọi thứ. Nhưng vào năm 1992, việc phát hiện một quần thể mới các vật thể bên ngoài Hải Vương tinh, được coi là vành đai Kuiper, đã làm đảo lộn quan điểm này và cho thấy rằng chúng ta vẫn còn rất xa để có thể hiểu biết đầy đủ về Hệ Mặt trời”, GS Lưu Lệ Hằng mở đầu buổi nói chuyện.

Sinh viên đặt câu hỏi giao lưu với GS Lưu Lệ Hằng tại buổi nói chuyện

Từ bài thuyết trình của GS Lưu Lệ Hằng, người nghe có thể hiểu rõ về quá trình quan sát kéo dài đến 5 năm để khám phá ra vành đai Kuiper với 70 ngàn thiên thạch của GS Lưu Lệ Hằng cùng với người thầy của mình, GS David Jewitt; vai trò quan trọng của vành đai Kuiper đối với ngành thiên văn học như thế nào; phát hiện mang tính lịch sử - hành tinh Diêm Vương tinh chỉ là một trong số hàng triệu thiên thạch trong vành đai Kuiper ra sao... “Khi danh hiệu hành tinh của Diêm Vương tinh bị lung lay, đã có làn sóng phản đối việc loại bỏ nó ra khỏi tập hợp các hành tinh. Một số người cảm thấy bị phản bội bởi trong một thời gian dài, họ đã được dạy rằng Diêm Vương tinh là một hành tinh, và bây giờ họ lại được nói rằng điều đó không đúng. Tại sao bây giờ họ phải tin các nhà thiên văn học? Câu trả lời hiển nhiên là: bản chất của khoa học là thay đổi; công việc của các nhà khoa học là để phá bỏ những ý tưởng cũ và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới phù hợp hơn với quan sát. Đó được gọi là tiến bộ khoa học”, GS Lưu Lệ Hằng nói.

GS Lưu Lệ Hằng làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đại học Huế và Trường đại học Sư phạm

Những khám phá của GS Lưu Lệ Hằng đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về định nghĩa hành tinh là gì. Đây là một bước ngoặt mới của ngành thiên văn học, kết thúc những nghi ngờ về sự tồn tại của vành đai Kuiper và mở ra hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ. “Nói tóm lại, Hệ Mặt trời đã chuyển từ trạng thái được cho là hiểu khá rõ sang không hiểu rõ bất cứ điều gì. Liệu đây có phải là một điều tốt? Tôi nghĩ là như vậy, bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta có thể mong đợi nhiều khám phá hơn”, GS Lưu Lệ Hằng kết thúc bài thuyết trình thú vị của mình.

Sau bài nói chuyện, GS Lưu Lệ Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên, học sinh, giảng viên các trường đại học và người yêu khoa học về lý do theo đuổi đam mê nghiên cứu thiên văn học, những vấn đề liên quan đến Hệ Mặt trời, sự tồn tại của các tiểu hành tinh trong vành đai Kuiper,...

Đừng ngại làm điều khác biệt

Sau buổi giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học TP.Huế, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc phỏng vấn nhanh với GS Lưu Lệ Hằng.

GS có thể nói về cảm xúc của mình khi phát hiện hàng triệu thiên thạch trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương tinh?

Lúc đó tôi rất mừng nhưng cũng lo vì suốt 5 năm trời mình ráng tìm nhưng không được; lúc đó tìm ra rồi nhưng vẫn lo không biết cái mình phát hiện ra có chắc chắn là đúng hay không! (cười)

Là phụ nữ làm khoa học mà là khoa học thiên văn hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Bà có thể kể một vài kỷ niệm trong quá trình nghiên cứu và phát hiện ra vành đai Kuiper?

Phụ nữ làm cái gì cũng khó hơn nam giới rồi. Phụ nữ làm khoa học cũng vậy. Khi tôi đã là giáo sư rồi, nhiều lúc tôi đi họp cùng với học trò (nam) của mình nhưng người ta luôn nghĩ người học trò nam đó là thầy giáo còn mình là... học trò. Nhiều người cứ có quan niệm phụ nữ không học cao bằng nam giới được.

Vậy bà đã vượt qua những suy nghĩ đó như thế nào?

Tôi cứ bỏ qua và tiếp tục thôi! (cười)

Bà có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ Việt Nam để có lòng đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học?

Hãy học tập và làm việc, chăm học. Đừng ngại làm điều khác biệt so với mọi người. Muốn làm cái gì thì luôn luôn hỏi cách này đúng hay không và không sợ làm cách mới, dù cách làm đó có khác cách làm của người khác nhưng vẫn phải thử.   

Bà nhìn nhận thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam? Theo bà, cần làm gì để thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?

Tôi nghĩ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam phải thay đổi nhiều. Học sinh ở Việt Nam vẫn được dạy theo cách cũ. Điều này nên thay đổi và thay đổi trước hết là học sinh Việt Nam phải học giỏi tiếng Anh vì nước mình nhỏ, phải giao tiếp với nước ngoài để học nhiều và học thêm. Nếu không biết tiếng Anh thì không giao tiếp với người nước ngoài và tra cứu, truy cập tìm hiểu thông tin trên mạng, tài liệu nước ngoài được. Thay đổi thứ hai là về chương trình học, chương trình của mình lý thuyết nhiều mà thực hành ít. Trẻ em thích thực hành hơn lý thuyết nên nếu chương trình dạy học thay đổi để hấp dẫn hơn sẽ thu hút và khơi dậy tình yêu khoa học trong học sinh ngay từ khi còn nhỏ.

Trưa 23/7, sau buổi nói chuyện về “Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời”, GS Lưu Lệ Hằng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đại học Huế và Trường đại học Sư phạm. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã cảm ơn GS Lưu Lệ Hằng về buổi nói chuyện rất hay và ấn tượng. Phó chủ tịch Nguyễn Dung mong rằng GS Lưu Lệ Hằng sẽ tiếp tục trở lại Huế để nói chuyện về những phát hiện mới trong nghiên cứu của bà; đồng thời bày tỏ mong muốn GS Lưu Lệ Hằng sẽ giúp Đại học Huế kết nối với các nhà khoa học quốc tế để mời họ đến Huế nói chuyện về các lĩnh vực khoa học, mở rộng tầm nhìn và kích thích sự say mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên, học sinh. Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo Đại học Huế và Trường đại học Sư phạm.

 

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top