ClockThứ Tư, 14/02/2018 06:31

Hướng đến một chỉ số

TTH - Không phải là 2.020USD/ người như năm 2016, cũng không phải là 2.100 USD/người như mục tiêu mà tỉnh đặt ra cho năm 2017.

GRDP ngành nông - lâm - ngư tăng gần 2,75%

Chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người trong năm 2017 thực hiện được trong năm nay - theo cách tính mới từ Tổng Cục Thống kê – của Thừa Thiên Huế dừng ở con số 1.626 USD. Dựa trên việc áp dụng giá cơ bản thay cho giá sản xuất; dựa trên việc áp dụng triệt để nguyên tắc thường trú (phân bổ kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị hạch toán toàn ngành) và áp dụng tỷ lệ chi phí trung gian mới… việc thay đổi cách tính toán GRDP đã điều chỉnh chuỗi giá trị số liệu GRDP thời kỳ trước về giá trị tuyệt đối. Từ đó, giảm giá trị GRDP bình quân đầu người.

Sắc xanh Kỳ Đài

Cho dù được giải thích, nhưng nhóm chữ số này đã có lẽ cũng đã tạo nên một “dư chấn” nhiều hơn cách mà nó hiện hữu. Đương nhiên là có sự so sánh, với ngay chính những gì mà chỉ số này đã tồn tại ở những năm trước. Không phải tại sao mà là như thế nào? Khó có thể đặt con số này trong mối tương quan với các tỉnh khá hơn trong khu vực như Đà Nẵng (3.000 USD/người); Khánh Hòa (2.319 USD/người), Quảng Nam hay Quảng Ngãi nhưng vẫn có sự vênh nào đó giữa những chữ số này khi Hà Tĩnh đạt mức bình quân là 1.757 USD/người, Quảng Trị là 1.731 USD/người. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh với các yếu tố nội hàm của nó như đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp, xuất khẩu ròng và mức chi tiêu của người dân đã được đưa ra để phân tích. Ngay cả vấn đề khi lượng kiều hối đã được “cộng” vào thu nhập bình quân của người dân, thay cho việc đưa vào GRDP của tỉnh…

Cao hơn, thấp đi, chậm hay chững lại và cho dù cách tính như thế nào, cũng chỉ là một cách phản ánh nền kinh tế của địa phương. Những nỗ lực nội tại của cả hệ thống chừng như vẫn chưa bao giờ là đủ ở một vùng đất lắm nắng, giàu mưa và thừa bão lũ. Có lẽ vì thế mà người Huế phải quen chia tay với những gì tưởng như đã là của mình, hay sắp về đích, hoặc phải biết cách chấp nhận một hay những dãy số nhỏ hơn điều được kỳ vọng. Những tương tác khác đối với nền kinh tế, xem ra cũng khó khăn hơn đối với vùng đất, khi người ta luôn đòi hỏi sự mạnh mẽ, tính quyết đoán, sự năng động… nhưng không chỉ luôn phản biện mà còn dễ cắc cớ, nghi ngờ, thậm chí là chê bai và quan trọng hơn là không muốn nhập cuộc như một cách nhìn của người ngoại biên khi trao đổi và chia sẻ về những điều mà họ cảm thấy.

Dù là gì và như thế nào, chúng ta vẫn phải đối diện với một mức tăng trưởng trung bình. Đứng ở nhóm 5 về tốc độ tăng trưởng năm 2017 của khu vực miền Trung, sau Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và trước Phú Yên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng câu chuyện được đặt ra ở đây là giá trị tuyệt đối của sự tăng trưởng. Điều này phần nào đó thể hiện ở những con số khác biệt giữa chỉ số tăng của tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn và giá trị tổng sản phẩm trên bình quân đầu người. Đó cũng là phần lõi của vấn đề không chỉ của năm 2018 mà còn của rất nhiều năm sau nữa. Cũng như khi và chỉ khi không chỉ trục máy, động cơ mà tất cả các ốc vít của cỗ máy phải cùng vận động đồng bộ trong một guồng quay.

Nhưng bên cạnh sự phản ánh rõ rệt nhất bằng những con số trần thuật này, còn có những mối quan tâm khác, những chỉ số tác động khác đến cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ, trong cách mà người ta vẫn thường bảo nhau là đến Huế để sống chậm đã bao hàm trong nó rất nhiều những yếu tố tự thân khác, thuộc về con người và liên quan đến con người; không chỉ ở phong cách, lối sống, ứng xử, di sản, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực... mà còn ở giá trị đến từ một thành phố còn nhiều lắm những “tài nguyên” khác. Tôi nhớ một người bạn đã tính giá trị “thặng dư” để anh quyết định trở về quê nhà sau nhiều năm bươn chải ở nhiều nơi khác - là được sống trong một không gian thanh bình, nhiều cây xanh, một môi trường lành sạch...

Hoàng hôn êm đềm

Không rõ khi quyết định trở về, bạn tôi đã thực nghĩ về một vùng đất hạnh phúc hay chưa, nhưng tôi luôn nghĩ, một quê hương của hạnh phúc hẳn còn ẩn chứa nhiều lắm những mong mỏi trong cuộc sống thường nhật mỗi ngày. Ví như được di chuyển thảnh thơi trên các con đường, hè phố chứ không phải là các barie quây tạm những phần dang dở của một dự án; ở sự dễ chịu và hài lòng khi đi hoàn tất một thủ tục hành chính hay đến một cơ sở nào đó để được chăm sóc sức khỏe một cách ân cần. Có đôi khi, điều này dường như chỉ đơn giản là một ứng xử nhân văn mà người ta bắt gặp trên hè phố qua một hình ảnh dung dị, một mùi hương gợi nhớ, một cổng trường làm nao lòng khi hiện diện như từ ngày xưa...

Thói quen, sự thân thuộc và những không gian kết nối chắc chắn là một thành tố chủ yếu để xác lập một trạng thái cá nhân nào đó. Có thể là chỉ mang tính cá nhân, song khi nghĩ về một chỉ số và tìm kiếm một chỉ số trong không gian và môi trường đang sống, tôi đã nghĩ hoài về mệnh đề đã được đặt ra là thái độ và niềm tin vào các giá trị theo đuổi...

Vấn đề là chúng ta đã xác lập những điều đó như thế nào...

Bài: Minh Hà

Ảnh: Bảo Trân, Quý Mai Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho vụ trồng rừng năm 2024, với mục tiêu cùng cả nước hoàn thành chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
Return to top