|
Ngư dân Lộc Trì làm giàu từ biển
|
Hiệu quả
Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho rằng: “Hiện nghề đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần ở địa phương đang phát triển khá mạnh. Trong một gia đình, khi con cái lớn, lao động trẻ cũng ngày một đông nên nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu thuyền của bà con khá bức thiết. Cách phối hợp “tàu mẹ, tàu con” là cách nói của bà con ngư dân, nhưng khi triển khai rất hiệu quả.”
Chưa đến vụ đánh bắt, nhưng tại khu neo đậu địa bàn thôn Đông Hải rất ít tàu thuyền nằm “nghỉ ngơi”. Hỏi ra mới biết, tranh thủ lúc “ngư nhàn”, ngư dân Đông Hải dong thuyền đi đánh bắt tôm bông (tôm hùm giống) ở vùng biển Đà Nẵng (từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch). Như lời ngư phủ Trần Hòa, nói là “kiếm thêm” nhưng đây là nghề “hái ra tiền” nếu các tàu biết cách phối hợp kéo mành xúc, càng xúc, rồi mang bán ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).
“Toàn xã Lộc Trì có 87 phương tiện đánh bắt thủy hải sản công suất từ 150 trở lên, trong đó có 22 tàu chuyên đánh bắt xa bờ, công suất từ 400 đến 920CV, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 5.000 tấn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai trong thời gian qua, vừa rồi, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí mua 6 máy Icom trang bị cho các tàu đánh bắt xa bờ.”- Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, thông tin.
|
Vừa trở về sau chuyến “săn” tôm hùm bông ở vùng biển Đà Nẵng cùng mấy người con, ngư phủ Trần Hòa vui vẻ: “Mỗi đêm, tàu lớn, tàu nhỏ đều phối hợp kéo lưới mành bắt tôm hùm bông. Bình quân mỗi thuyền kiếm được 80-100 con/đêm; nếu may mắn hơn có thể kiếm được vài trăm con. Tính theo thời giá hiện nay, mỗi con tôm bông giống giá 200 nghìn đồng, mỗi thuyền sau khi trừ chi phí cũng kiếm được khoảng chục triệu đồng/đêm.”
Tôm bông giống có kích thước chừng bằng que tăm, cứ đến tầm tháng 11 (DL), khi biển có sóng vừa là loài tôm này xuất hiện nhiều. Mỗi thuyền ở thôn Đông Hải kéo lưới mành thường có từ 5-6 lao động. Mỗi chuyến các chủ thuyền kiếm được khoảng 20 triệu, trừ chi phí 5 triệu tiền dầu, chia tiền cho các lao động, chủ tàu cũng còn khoảng chục triệu đồng cho mỗi chuyến đánh bắt.
Ông Trần Vẹm, phụ trách Hội nghề cá xã Lộc Trì cho biết: “Khai thác tôm bông giống theo mùa tuy chỉ trong thời gian ngắn, nhưng cũng mang thu nhập khá cho người dân. Thời điểm hiện tại có khoảng 50 tàu cá của ngư dân trên địa bàn xã tham gia khai thác. Có hộ gia đình mấy cha con đều mang tàu lớn, tàu nhỏ đi đánh bắt tôm. Thu nhập tương giúp ngư dân tích lũy tiền bạc, đầu tư đánh bắt vụ chính.”
Tâm thế mới
Mấy hôm nay ngư phủ Trần Vinh (thôn Đông Hải) đang ngược xuôi “tuyển” thêm đội thợ lành nghề tham gia đóng con tàu công suất 820 CV. Ông Vinh đã đầu tư mua “máy bãi” công suất trên 800 CV giá 800 triệu đồng bằng nguồn vốn ông tự có và vay thêm anh em họ hàng.
Hiện ông là chủ của tàu cá số hiệu TTH - 91031 công suất 420 CV đang làm dịch vụ thu mua cá. Ông Vinh cho biết: “Thấy nhiều mô hình tàu lớn, tàu nhỏ cùng phối hợp đánh bắt làm ăn hiệu quả như các hộ Trần Lương, Trần Đen, Trần Phước, ở trong thôn nên mình cũng mạnh dạn vay thêm ít vốn từ anh em để đóng tàu lớn ra khơi. Dự kiến con tàu hơn 800 CV này sẽ đánh bắt còn tàu nhỏ 420 CV hiện tại đang có sẽ thu mua, kết hợp chiếu đèn cho các tàu lớn đánh bắt trên ngư trường.”
Lâu nay, tàu nhỏ 420 CV của ông mỗi tháng đi từ 6-7 chuyến, thu mua từ 30-40 tấn cá/chuyến từ các tàu lớn của các ngư trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Khi “gom” đầy cá, sẽ bán cố định tại các cảng Cửa Việt, Cửa Tùng (Quảng Trị), Nhật Lệ, Sông Gianh (Quảng Bình). Ông Vinh thổ lộ: “Mỗi tấn cá nục, khi vào cảng mình bán lãi từ 3-4 triệu đồng, mỗi chuyến kiếm được khoảng 150 triệu, trừ chi phí tiền dầu, nhân công… chủ thuyền cũng còn vài chục triệu đồng.” Nếu có tàu lớn phối hợp với tàu nhỏ thì mọi công việc đánh bắt sẽ làm “trọn gói”, vừa tiết kiệm chi phí, tăng lãi suất cho mỗi chuyến biển.
Ngư phủ Trần Long (thôn Đông Hải) khẳng định: “Mình cũng vừa đóng thêm tàu dài 27 m, bề ngang 6,5 m, bởi nhận thấy mô hình tàu lớn, tàu nhỏ kết hợp đánh bắt sẽ rất hiệu quả. Mỗi chuyến, ví dụ tàu nhỏ chiếu đèn cho các tàu ngoại tỉnh được 10 tấn cá, mình được chia từ 2-3 tấn. Nếu mình có hai tàu, không phải mất công mua 10 tấn dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm từ tàu bạn thì tiền lãi sẽ tăng lên rất nhiều.”
Ông Long có tàu công suất 420 CV, năm vừa qua, từ nguồn vốn tự có, ông vay thêm anh em bạn bè, đóng thêm tàu công suất trên 800 CV, sắm thêm ngư lưới cụ để tham gia đánh bắt xa bờ, giải quyết cho gần 20 lao động tại địa phương. Ông Long cũng đầu tư giàn đèn chiếu giá 100 triệu đồng để phục vụ đánh bắt trên biển.
Ông Trần Vẹm, phụ trách Hội nghề cá xã Lộc Trì đánh giá: “Hiện các tàu lớn, tàu nhỏ tham gia phối hợp đánh bắt trên địa bàn xã đang được ngư dân triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả. Trong năm nay đã có thêm 4 chiếc tàu đóng mới, công suất trên 800 CV. Cùng các chính sách hỗ trợ ngư dân, thời gian tới Nghị định 89 cho phép sử dụng máy cũ thì Lộc Trì sẽ có thêm 15-20 chủ tàu có nhu cầu đóng thêm tàu lớn để vươn khơi.”