Cảng Chân Mây được đầu tư, đón tàu tải trọng lớn
Nhìn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, chúng ta thấy “cán cân” nghiêng hẳn về khối ngoại, tức là nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Điều này đúng với nền kinh tế Việt Nam và cũng đúng với nền kinh tế Thừa Thiên Huế. Chính vì sự quan trọng của khối ngoại nên lý giải vì sao chúng ta quan trọng kêu gọi thu hút đầu tư.
Năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 8.455 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 7.992 tỷ đồng. Phân tích nguồn thu nội địa chúng ta thấy, trong tổng nguồn thu từ hoạt động doanh nghiệp là 3.785 tỷ thì thu từ khối ngoại đã là 2.400 tỷ đồng, tỷ lệ chiếm gần 65%. Nếu chúng ta xem xét tiếp trong tương quan hoạt động của doanh nghiệp với doanh nghiệp ở các khu vực, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương, sẽ thấy khối ngoại áp đảo tuyệt đối: 2.400/205 tỷ đồng.
Trong tình cảnh hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn hết sức nhỏ bé, ngay doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn cũng chỉ đóng góp được chừng 160 tỷ đồng thì ngoài sự đóng góp của khối ngoại, nguồn thu ngân sách còn có hai “cứu cánh” – đó là thu ngoài quốc doanh (có thể hiểu là hộ kinh doanh cá thể) và thu từ tài nguyên (tiền sử dụng đất).
Nguồn thu ngoài quốc doanh năm 2020 đóng góp được 1.020 tỷ đồng. Nếu chúng ta nói hình tượng một chút, thì khu vực này, gồm hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể như những con ong miệt mài góp mật! Và khu vực này tuy quy mô nhỏ nhưng được ghi nhận là tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho người dân.
Một nguồn thu ngân sách quan trọng nữa đó là thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu này khoảng 3 năm qua có mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2020 là một năm nguồn thu này có sự đột biến, tăng đến 2,6 lần so với so với dự toán, con số tuyệt đối là 2.100 tỷ đồng.
Nhìn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, cũng có những ý kiến cho rằng nguồn thu thiếu bền vững! Ý kiến này lý giải sự thiếu bền vững chính là ở chỗ - nguồn thu quá phụ thuộc vào một vài khu vực, khi những khu vực này có những biến động, chẳng hạn như biến động tiêu cực thì lập tức “hầu bao” của tỉnh bị ảnh hưởng. Riêng tôi thì muốn có cái nhìn ngược lại, vì theo tôi, nói theo cách nói của một nhà chính trị nào đó, thì “mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng là mèo, miễn là bắt được chuột”. Diễn giải tương tự ở đây là ai không quan trọng, miễn là đóng góp được nhiều cho ngân sách.
Nhưng lý do chủ yếu là, khi nội lực chúng ta chưa mạnh, dựa vào những động lực từ bên ngoài cũng là một lựa chọn khôn ngoan. Hàng chục năm qua, chúng ta thấy nguồn thu từ khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng đều đặn. Họ mang đến cho chúng ta vốn, công nghệ, kiến thức quản lý… và ngân sách. Hiện nay, khi đại dịch đang diễn ra đã tạo ra một sự dịch chuyển nguồn vốn FDI thấy rõ (nhằm cấu trúc lại chuỗi cung ứng) thì Việt Nam là một điểm đến. Và thực tế 11 tháng của năm 2020, Việt Nam đã đón nhận hơn 38 tỷ USD đăng ký đầu tư và phần lớn trong số ấy đã thực hiện. Thừa Thiên Huế nếu đón nhận được cơ hội này sẽ tạo nên một cú hích về thu ngân sách – chẳng những lớn hơn và còn bền vững hơn! Một yếu tố nữa, những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh (cả trong và ngoài nước) đã “vào” Thừa Thiên Huế, tương lai sẽ tạo nên những đột biến về thu ngân sách.
Về nguồn thu từ sử dụng đất: có thể là trồi trụt, song chúng ta cũng hy vọng sẽ không những biến động lớn vì hiện tại, tỉnh đã định hướng quy hoạch và mở rộng đô thị Huế, tức là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đô thị hóa nhanh bao giờ cũng tạo ra nguồn thu lớn từ quyền sử dụng đất. Rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du lịch sẽ hồi phục… hướng đến một địa phương tự chủ được về ngân sách cũng là một động lực cho phát triển, trong đó có ngân sách.
Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Nguyễn Phong