ClockThứ Tư, 29/05/2019 07:00

An toàn cho rừng thông

TTH - Chỉ cần sơ suất, bất cẩn khi vứt bỏ tàn thuốc, thắp nhang, đốt vàng mã thì lớp lá thông khô sẽ bị bốc cháy, dẫn đến nguy cơ cháy rừng thông rất cao.

Rừng ngập mặn chắn lũ

Chòi canh lửa trên địa bàn TP. Huế

Rừng bị “xâm hại”

Nắng nóng oi bức kéo dài từ đầu năm đến nay, cao điểm là những ngày đầu tháng 5 này dẫn đến lá thông khô bị rụng, phủ lớp dày đặc dưới tán rừng thông rất dễ cháy. Mới đây (đầu tháng 5/2019) tại đồi Vọng Cảnh xảy ra vụ cháy rừng đã được dập tắt kịp thời nên chỉ thiệt hại diện tích rất nhỏ.

Từ các vụ cháy này cũng như nhìn lại các vụ cháy rừng thông từ những năm trước, cho thấy nguyên nhân đều do người dân đốt vàng mã, thắp nhang cạnh rừng, hay người dân vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi. Thời điểm xảy ra cháy rừng thông thường vào dịp lễ, tết, rằm, mùng một...

Thống kê từ ngành kiểm lâm, các vụ cháy năm 2017 tại núi Ngự Bình làm thiệt hại gần 1,5 ha rừng thông cảnh quan. Cùng thời điểm, tại tiểu khu 91 (Chín Hầm) cũng xảy ra vụ cháy thiêu rụi 3.000m2 rừng thông. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có gần 3 ha rừng thông bị cháy. Đó chưa kể nhiều năm trước đây từng xảy ra hàng chục vụ cháy rừng thông tại các tiểu khu 153 (Thiên An), tiểu khu 121, 123, 125 (Núi Vung)... với diện tích gần 8 ha.

Rừng thông không chỉ có nguy cơ dễ cháy mà mới đây còn rộ lên tình trạng người dân vào khai thác vỏ thông khô để bán gây hại đến sự an toàn của rừng thông. Từ đầu tháng 4 vừa qua, hơn 150 ha rừng thông của HTXNN Hương Thọ (TX. Hương Trà) bị đe dọa trước tình trạng người dân ồ ạt vào khai thác vỏ khô.

Hằng ngày có đến hàng chục người, thậm chí có lúc cả trăm người kéo đến đây khai thác vỏ thông. Khi nguồn vỏ thông khô cạn kiệt, người dân lợi dụng những lúc vắng chủ rừng, hay đêm khuya đã lén lút chặt phá, khai thác vỏ tại những cây thông tươi còn sống.

Giám đốc HTXNN Hương Thọ, ông Lương An thông tin, đến nay tình trạng khai thác vỏ thông khô trên địa bàn đã tạm lắng, số người vào khai thác giảm rất nhiều do nguồn vỏ đã khai thác trước đó gần như cạn kiệt. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân cũng đã ngừng khai thác trộm vỏ thông tươi vì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Liên quan việc thương lái ở đâu, mua vỏ thông khô với mục đích gì, theo ông An, qua kiểm tra bước đầu, cho thấy có “hiện tượng người lạ” ở các tỉnh khác đến thu gom rồi bán lại cho các thương lái ngoại tỉnh. Tuy nhiên họ mua với mục đích gì thì đến nay vẫn chưa rõ. Mới đây, giá vỏ thông khô “đội lên” (từ 1.500-1.800 đồng/kg lên hơn 5.000 đồng/kg) là điều bất thường nên UBND xã Hương Thọ cũng đã tuyên truyền, cảnh báo người dân, tránh bị lừa, đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng.

Bảo vệ rừng cảnh quan

Theo ông Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế, tuy diện tích rừng trên địa bàn TP. Huế không lớn (khoảng 466 ha) nhưng chủ yếu là rừng thông cảnh quan, đặc dụng gắn liền với các cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch… nổi tiếng. Các loại rừng trên địa bàn thành phố đều là rừng thông, rất dễ cháy vào mùa nắng nóng, có gió mùa tây nam.

Từ tháng 5 đến tháng10 hàng năm, lực lượng kiểm lâm TP. Huế, các cấp chính quyền địa phương và các chủ rừng luôn chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tại khu vực rừng thông, các nghĩa trang vào mùa nắng nóng, “cao điểm”, Hạt Kiểm lâm TP. Huế cử lực lượng tuần tra, túc trực cả ngày lẫn đêm.

Tại mỗi “điểm nóng” như khu vực Ngự Bình-Tam Thai, Thiên Thai, Động Tranh bao gồm giáp ranh với phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy), Khe Kẹm, Chín Hầm… đều có lực lượng kiểm lâm từ 2-3 người thường xuyên tuần tra, “canh lửa”.

Thông là loài có giá trị kinh tế thấp nên lâu nay không có tình trạng khai thác gỗ thông trái phép để bán, trừ tình trạng khai thác vỏ thông khô diễn ra mới đây. Nhiều địa phương có nguyện vọng chuyển đổi rừng thông sang trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là điều mà ngành kiểm lâm đang nghiên cứu, xem xét, có thể với những diện tích rừng thông già, dịch bệnh tàn phá, không có khả năng bảo vệ môi trường, sẽ xem xét cho thu hoạch chuyển sang trồng rừng kinh tế.

Tuy nhiên, với những diện tích rừng cảnh quan, đặc dụng như nhiều khu rừng trên địa bàn TP. Huế cần được bảo tồn, bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Hầu hết các khu rừng thông, đồi thông ở TP. Huế không chỉ là “bức bình phong” bảo vệ môi trường mà còn tạo mỹ quan cho các cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, mặc dù không bị khai thác trái phép vì lợi ích kinh tế thấp nhưng rừng thông vốn rất dễ cháy, nguy cơ thiệt hại rất cao. Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng đối với lực lượng kiểm lâm cũng như các ban ngành, chính quyền địa phương là triển khai các biện pháp PCCCR một cách hiệu quả nhằm bảo vệ an toàn cho rừng thông cảnh quan.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, trong điều kiện thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng rất cao, các đơn vị chủ rừng cần xây dựng phương án PCCCR cụ thể; xây dựng các công trình đường ranh cản lửa, đường lâm sinh - dân sinh đảm bảo thực hiện tốt công tác “phòng ngừa từ xa”. Tập quán đốt nhang, vàng mã đối với người dân không thể xóa bỏ, vì vậy phải tuyên truyền nâng cao nhận thức bằng cách cắm bảng cấm, bảng cảnh báo vi phạm với nội dung răn đe. Các địa phương, chủ rừng nghiêm cấm tuyệt đối việc đốt thực bì tại các khu vực cảnh quan xung quanh TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, các khu du lịch nghỉ dưỡng…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Return to top