ClockThứ Tư, 30/03/2022 06:00

Bài học cấp bù lãi suất

TTH - Từ bài học của gói cấp bù lãi suất (CBLS) 4%/năm hơn 10 năm trước đây, chương trình CBLS lần này nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp (DN) thực sự khó khăn do dịch COVID-19, giúp phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD). Vì vậy, tiêu chí đúng đối tượng thụ hưởng được đặt lên hàng đầu.

Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0% mỗi năm xuống 4,5% mỗi nămSửa quy định cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ởHướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội

Sợi, một trong những lĩnh vực có khả năng phục hồi và trả nợ

Có khả năng trả nợ và phục hồi

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết (NQ) về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai NQ 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (HTLS) tối đa 40.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm (2022-2023) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng có khả năng trả nợ cũng như phục hồi… Với nguồn lực này, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng được dùng để CBLS cho vay ưu đãi, tương đương nguồn cho vay 1 triệu tỷ đồng/năm...

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, ông Phạm Bá Nam, ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó chủ động xây dựng hành lang pháp lý thực thi NQ của Quốc hội, nghị định của Chính phủ hướng dẫn gói HTLS cho các đối tượng theo quy định, dự kiến khoảng cuối quý 1 hoặc đầu quý 2 năm nay.

Theo đó, HTLS thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua... Điều kiện hỗ trợ thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được NHTM chấp thuận. Thời hạn vay được HTLS tính từ ngày giải ngân khoản vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Được biết, Chính phủ giao dự toán ngân sách Nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện CBLS, quyết toán CBLS cho các NHTM. Bộ Tài chính tạm CBLS đối với NHTM theo định kỳ hàng quý; số tiền tạm CBLS bằng 90% số tiền NHTM đã thực hiện HTLS cho khách hàng trong quý. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước theo dõi kết quả thực hiện HTLS và tạm CBLS của NHTM.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhận định: Cộng đồng DN rất mong mỏi gói HTLS sớm được triển khai bởi nhiều DN đang gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19; trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đội lên… Trong bối cảnh dịch bệnh, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết sách, phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ DN thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho SXKD, lưu thông hàng hóa cùng với cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện... Cùng với việc gói HTLS được triển khai, DN sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn lãi suất thấp, qua đó đẩy mạnh SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngân hàng sẽ thận trọng khi cấp bù lãi suất

Đúng địa chỉ, đối tượng thụ hưởng

Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Du lịch truyền thông Coffee travel Mai Thái Trung cho rằng, du lịch là một trong những nhóm ngành quan trọng và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế vùng đất Cố đô Huế. Tuy nhiên, 2 năm qua, lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Việc được giảm lãi suất 2%/năm sẽ giúp DN có thêm nguồn tài chính để khôi phục hoạt động SXKD. Hiện rất nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không được hạ chuẩn tín dụng thì những DN gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận.

Trong khi, lãnh đạo một NHTM trên địa bàn chia sẻ, bản thân ngân hàng cũng là một DN, luôn xác định đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, các NHTM quan tâm, đó là thủ tục quyết toán CBLS. Theo đó, các NHTM kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức tạm ứng từ 90% lên 95%; đồng thời đề nghị điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng.

Để đảm bảo công khai minh bạch và khoản CBLS đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, có chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được CBLS bởi bộ này hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của DN qua tình hình nộp thuế. DN sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần CBLS nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này.

Từ bài học của gói CBLS 4%/năm trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để CBLS cho DN. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay, nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán hết. Vì vậy, gói HTLS lần này cần tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện. Theo vị này, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn, không để bài học năm 2009 tái hiện bằng việc nhìn dòng tiền rẻ chạy vào các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản gây nên hiện tượng bong bóng. Chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng vì nguồn lực còn hạn chế nên không thể hỗ trợ “dàn trải”.

Lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước điều tiết để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ này. Nhà điều hành chính sách tiền tệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai CBLS đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước đây.

Bài, ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giải thể doanh nghiệp (DN) đã trở thành một lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều chủ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc không nắm các quy định pháp luật về giải thể DN, nhất là tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan khiến thời gian thực hiện thủ tục giải thể DN kéo dài.

Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể
Để văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa phát triển bền vững

Văn hóa doanh nghiệp (DN)-chìa khóa vàng để phát triển bền vững là chủ đề chương trình cà phê doanh nhân do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh tổ chức trong ngày 16/11. Chương trình có sự tham gia chia sẻ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa DN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sách doanh nhân.

Để văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa phát triển bền vững
Return to top