ClockThứ Sáu, 19/07/2024 06:21

“Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 2: Thách thức…

TTH - Trong khi các phương tiện khai thác thủy sản trái phép của ngư tặc có công suất lớn, thường đi theo nhóm có tổ chức, sử dụng hung khí và rất manh động thì phương tiện tuần tra, truy bắt của các chi hội nghề cá còn thiếu thốn, công suất nhỏ đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

"Bảo tàng nước" lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 1: Nguồn sống đang bị đe dọa

 Phương tiện vi phạm bị thu giữ

Công cụ hỗ trợ tuần tra không đảm bảo

Có lần, đúng hẹn tôi về gặp Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền), ông Phan Văn Ty. Sau cuộc trò chuyện, trao đổi về tình hình khai thác thủy sản trái phép, tôi được ông Ty dẫn ra phá để làm chuyến thực tế về tuần tra trên vùng đầm phá. Trong hình dung, suy nghĩ của tôi lúc này thì phương tiện tuần tra sẽ là một chiếc đò hoành tráng. Thế nhưng, tôi thật sự ngỡ ngàng khi đến âu thuyền, ông Ty bước lên một chiếc thuyền đuôi tôm dài chỉ hơn 7 mét và gọi tôi cùng lên theo để thực hiện chuyến tuần tra.

Trên chiếc xuồng được cho là phương tiện tuần tra "ngư tặc" của Chi hội Nghề cá Ngư Mỹ Thạnh được lắp máy, thêm một mái chèo, ngoài ra không còn bất kỳ một dụng cụ hỗ trợ nào. Rời bến, thuyền xuôi về phía đầm phá, ông Ty trấn an: “Không sao đâu. Dù là phương tiện tuần tra chính của chi hội, nhưng khi phát hiện có "ngư tặc" hành nghề trái phép thì tôi sẽ liên lạc với ngư dân và lực lượng chức năng đến hỗ trợ, ứng phó”.

Nói vậy, nhưng tôi vẫn thật sự lo ngại nếu xuồng tuần tra bị ngư tặc phát hiện và tấn công thì hậu quả sẽ rất khó lường. Dù chuyến tuần tra trở về an toàn, nhưng để lại nhiều lo ngại và trăn trở trong hoạt động bảo vệ NLTS trên đầm phá Tam Giang. Ông Ty thừa nhận, thay vì khi phát hiện "ngư tặc" phải triển khai truy đuổi, truy bắt ngay thì đằng này phải mất thời gian liên lạc với lực lượng trên đất liền, rồi lực lượng này cũng mất khá nhiều thời gian triển khai, di chuyển đến hiện trường thì với những chiếc đò công suất lớn của ngư tặc đã tẩu thoát.

Nhiều chuyến tuần tra của ông Ty, hay các chi hội nghề cá khác thường đi một mình, hoặc vài người trên chiếc xuồng đuôi tôm, trong tay không có bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào thì việc truy bắt ngư tặc là điều hoàn toàn không thể. Cũng có một số lần, lực lượng chức năng tiếp cận được thuyền hành nghề trái phép, nhưng lực lượng mỏng, trong khi "ngư tặc" đi theo băng nhóm, 5-7 chiếc đò công suất lớn tỏ ra manh động, chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Một thành viên của lực lượng tuần tra ở huyện Quảng Điền từng bị "ngư tặc" đánh trọng thương.

Xuôi về Quảng Ngạn, chúng tôi gặp Chủ tịch Hội nghề cá Thủy An, ông Đặng Quý Sinh cũng có cùng trăn trở. Nhiều chuyến tuần tra, kể cả tuần tra đêm cũng chỉ một chiếc đò công suất nhỏ. Có lần phát hiện một nhóm "ngư tặc" 6-7 chiếc đò công suất lớn, mỗi đò 2 người thuộc xã Hương Phong (TP. Huế) khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá thuộc xã Quảng Ngạn quản lý. Khi thuyền của Hội Nghề cá Thủy An tiếp cận, ra lệnh ngừng khai thác thì bị các đối tượng đe dọa, thách thức, chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Hội Nghề cá Thủy An từng bắt một số đối tượng vi phạm, nhưng trong quá trình tẩu thoát đã vứt bỏ tang chứng xuống sông nên không đủ căn cứ để xử lý.

Nhiều trở lực

Ông Đặng Quý Sinh cho rằng, không chỉ phương tiện lạc hậu, xuống cấp mà còn thiếu cả lực lượng, nhiên liệu phục vụ quá trình tuần tra, truy bắt ngư tặc. Lực lượng của hội nghề cá không có thẩm quyền xử lý vi phạm là một trong những hạn chế gây khó khăn, trở ngại trong bảo vệ NLTS. Người dân hầu như không được hưởng quyền lợi gì trong việc phối hợp truy bắt, đặc biệt chi phí nhiên liệu trong các chuyến truy bắt cũng do người dân tự lo. Thiếu chi phí nhiên liệu nên hoạt động tuần tra chỉ mỗi tháng, thậm chí hai tháng một lần, khó có thể phát hiện và truy bắt kịp thời các hành vi khai thác thủy sản trái phép.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, trong hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm khai thác trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, một số địa phương cấp huyện vẫn chưa quan tâm đến công tác đấu tranh với những hành vi khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá. Việc xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương chưa được thực hiện đồng bộ, xảy ra tình trạng địa phương này thực hiện quyết liệt thì “ngư tặc” di chuyển sang địa phương khác để hành nghề trái phép.

Chi cục Thủy sản không còn được giao chức năng thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 (không còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thanh tra) nên lực lượng thủy sản gặp nhiều khó khăn trong xử lý, xử phạt hành chính. Trong khi đó, việc bổ sung những quy phạm thuận lợi hơn trong công tác phòng, chống, xử lý tình trạng khai thác thủy sản trái phép nói chung… chưa được thông qua. Đối với cấp huyện, lực lượng cốt lõi chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá chưa rõ ràng.

Ông Bình thừa nhận, qua trao đổi nghiệp vụ giữa công an và ngành nông nghiệp thì công tác đấu tranh phòng, chống khai thác hủy diệt bằng nghề và ngư cụ cấm trên đầm phá Tam Giang hiện có những khó khăn nhất định. Việc huy động lực lượng, phương tiện phòng, chống khai thác hủy diệt đòi hỏi đông người, chi phí tốn kém. Trong khi, rất dễ bị lộ thông tin kế hoạch, dẫn đến chuyến tuần tra, truy quét không hiệu quả.

Việc đuổi bắt đêm tối khá nguy hiểm đối với các lực lượng, phương tiện truy bắt do các cán bộ lái cano của công an, thủy sản không rõ luồng lạch bản địa, có những vùng nước nông đối với ca nô không vào được. Trong khi đó, không thể sử dụng ngư dân địa phương điều khiển tàu thuyền công vụ, do không có bằng cấp chuyên môn theo quy định. Hành động truy đuổi, đấu tranh của lực lượng chức năng khó kiểm soát trong lúc đêm tối, rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc, như vụ việc chết người ngày 20/12/2023 tại Quảng Điền.

(còn nữa)

Bài, ảnh: Hoàng Thế - Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Đông Nam Á:
“Điểm nóng” về trung tâm dữ liệu toàn cầu

Tạp chí The Straits Times ngày 14/10 có bài viết cho hay, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang đổ xô đến khu vực Đông Nam Á để xây dựng các trung tâm dữ liệu, vào thời điểm mà nhu cầu về cơ sở hạ tầng và sức mạnh tính toán để hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng nhanh chóng.

“Điểm nóng” về trung tâm dữ liệu toàn cầu
Return to top