ClockThứ Năm, 18/07/2024 06:54

"Bảo tàng nước" lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 1: Nguồn sống đang bị đe dọa

TTH - Một thời gian khá dài, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dường như khá bình yên, nhiều loài thủy sản một thời gần như mất hút nay cũng đã bắt đầu hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, gần đây, nạn khai thác hủy diệt môi trường lại tái diễn, nguồn lợi thủy sản (NLTS), thủy sinh trên vùng đầm phá được ví là "Bảo tàng nước" lớn nhất Đông Nam Á này đang bị đe dọa.

Bảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á- kỳ 1: Nguồn sống cho bao phận ngườiBảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á - Kỳ 2: Đối diện thách thứcBảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á- kỳ 3: Mô hình cho tương lai

 Cộng đồng ngư dân đánh bắt, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm phá

Sự tinh vi và hoạt động có tổ chức khiến các lực lượng bảo vệ NLTS gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong hoạt động tuần tra, truy bắt các đối tượng vi phạm.

Khó ngăn chặn triệt để

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được đánh giá có sự hiện diện của nhiều loài thủy sản, đa dạng sinh học được ví như “bầu sữa” cho bao phận người. Dù có những lúc thăng trầm do thiên tai, hay bị khai thác thủy sản quá mức thì một bộ phận lớn cư dân từ bao đời nay vẫn nương tựa vào vùng đầm phá được ví là bảo tàng nước lớn nhất Đông Nam Á này. Khai thác thủy sản trên đầm phá không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn giúp nhiều ngư dân có điều kiện nuôi con ăn học, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, có cuộc sống ổn định.

 Nò sáo trên phá Tam Giang

Điều mong mỏi lớn nhất của người dân là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai luôn được bình yên, NLTS nơi đây được sinh sôi, bảo vệ an toàn để luôn là “bầu sữa” trong cuộc hành trình mưu sinh của cư dân vùng sông nước. Nhưng có lẽ điều này gần như một thách thức với người dân khi nạn khai thác thủy sản hủy diệt môi trường vẫn cứ tái diễn, khó ngăn chặn một cách triệt để.

Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền), ông Phan Văn Ty luôn nan giải trước vấn nạn khai thác hủy diệt làm cho NLTS trên vùng đầm phá có nguy cơ cạn kiệt, người dân mất nguồn sinh kế. Thực tế, một thời thủy sản vùng đầm phá Tam Giang có những lúc cạn kiệt, nhiều loài cá, tôm có giá trị kinh tế gần như mất hút, khan hiếm như cá bống thệ, tôm đất, tôm rảo, cua đồng, lươn đồng, dìa, chình, mú… Có thời điểm, những trộ nò, mẻ lưới của ngư dân chỉ thu về những con tôm, con cá còm cõi, ít ỏi, mang lại nguồn thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Nhiều hộ dân vùng đầm phá sinh đông con, nuôi con ăn học ở Quảng Lợi nói riêng, Quảng Điền nói chung rơi vào tình cảnh khó khăn.

Các khu bảo vệ NLTS được thành lập từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, bảo tồn NLTS vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Một bộ phận ngư dân bản địa từng là "ngư tặc" cũng đã hoàn lương, chung tay cùng với địa phương, các ban ngành bảo vệ NLTS. Cộng đồng chung tay bảo vệ, bảo tồn gắn với các hoạt động thả thủy sản xuống sông, đầm phá giúp NLTS từng bước tái tạo, hồi sinh, sinh trưởng mạnh mẽ. Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế từng bị cạn kiệt, thậm chí không còn nay cũng đã sinh sôi trở lại. Vậy nhưng, trong khi thủy sản đang có dấu hiệu sinh tồn tốt thì nạn đánh bắt, khai thác hủy diệt môi trường lại tái diễn khá rầm rộ khiến nguy cơ đe dọa, mất an toàn cho các loài thủy sản.

Kích điện, nghề hủy diệt

Nhận thức của ngư dân tại các địa phương ngày càng cao trong bảo vệ NLTS vùng đầm phá Tam Giang. Một bộ phận lớn ngư dân hoàn toàn chuyển đổi các ngư, lưới cụ trái phép, hủy diệt sang các nghề theo quy định của pháp luật và chính quyền địa phương. Nhiều ngư dân từng là "ngư tặc" nay cũng đã nhận ra sai lầm của mình để cùng với cộng đồng chung tay bảo vệ NLTS đầm phá Tam Giang. Đây là một trong những cách giúp NLTS vùng đầm phá Tam Giang hồi sinh trở lại trong những năm gần đây.

 Khai thác trìa từ đầm phá

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo thông tin, xã cũng như nhiều địa phương ven đầm phá cùng với các ban ngành, đoàn thể, các thôn tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển NLTS. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, tình trạng người dân sử dụng công cụ kích điện đặt trên thuyền có gắn máy đuôi tôm (cole) và sử dụng cào lươn, cào hến gắn trên đò máy có công suất lớn để khai thác ở vùng mặt nước phá Tam Giang, phần lớn các đối tượng đến từ địa phương khác. Hành vi này làm cho NLTS trên phá Tam Giang có nguy cơ bị hủy diệt, cạn kiệt. Ở vùng nội đồng, trên các kênh mương, ruộng trũng, vùng ô biền... còn diễn ra tình trạng người dân sử dụng kích điện để khai thác thủy sản khá phổ biến.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, các đối tượng vi phạm được các địa phương xác định thuộc ba xã Điền Hòa (thôn 9), Điền Hải (thôn 1) thuộc huyện Phong Điền và xã Quảng Thái (thôn Trung Làng) thuộc huyện Quảng Điền đã sử dụng các công cụ cào lươn, cào trìa, giã cào (dạ) bằng thuyền máy công suất từ 45CV trở lên diễn ra ngày càng phức tạp.

Tính riêng năm 2023 đến nay, ở cấp tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản hơn 12 trường hợp, với tổng số tiền là 166 triệu đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp xử lý 10 trường hợp với số tiền phạt 76 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý 2 trường hợp với 90 triệu đồng.

 Nghề lừ ngày càng ít dần

Lực lượng chức năng của huyện Phú Lộc phát hiện và xử lý 6 cá nhân vi phạm trên đầm phá, chủ yếu các đối tượng sử dụng kích điện để khai thác. Huyện Phong Điền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 12 vụ, với số tiền xử phạt 64 triệu đồng. Huyện Quảng Điền phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm, phạt tiền 125,5 triệu đồng. Công an các huyện Phong Điền, Quảng Điền còn đưa ra truy tố hình sự hai vụ đối với hành vi vi phạm hành chính (tái phạm) trong lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng kích điện, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên các vùng nước đầm phá hiện đang còn tồn tại, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng sử dụng nghề cào lươn, cào đáy bằng khung sắt, bằng thuyền có gắn động cơ, là nghề cấm khá phổ biến. Một ngày cuối năm 2023, 6 thuyền máy của ngư dân Điền Hòa, Điền Hải đến địa bàn Quảng Lợi khai thác hủy diệt bằng nghề cào lươn, cào hến. Thuyền cộng đồng của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh phát hiện, xua đuổi, khi đến khu vực đầm phá thôn 2, xã Quảng Công thì ngư dân Phạm Cư ở thôn 9, xã Điền Hòa đuối nước chết. Hiện Công an huyện Quảng Điền đang thụ lý, điều tra vụ việc.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Hoàng Thế - Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 2: Thách thức…

Trong khi các phương tiện khai thác thủy sản trái phép của ngư tặc có công suất lớn, thường đi theo nhóm có tổ chức, sử dụng hung khí và rất manh động thì phương tiện tuần tra, truy bắt của các chi hội nghề cá còn thiếu thốn, công suất nhỏ đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

“Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 2 Thách thức…

TIN MỚI

Return to top