Ao hồ nuôi tôm ở Phong Hải sục khí 24/24 giờ ứng phó với thời tiết xấu
Tôm nuôi chính vụ năm nay được xem khá lận đận khi ảnh hưởng lớn trước thiên tai, dịch bệnh. Tính riêng các đợt bão, lũ vừa qua làm nhiều ao hồ nuôi tôm ở xã Phong Hải, Điền Hoà… bị bệnh, chết do môi trường thay đổi đột ngột, ước thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Có hộ ở Phong Hải nuôi 16 hồ tôm đều bị thiệt hại hoàn toàn.
Sau đợt mưa lũ, tôm nuôi bị chết, người dân tiến hành vệ sinh, cải tạo ao hồ tiếp tục thả giống, khôi phục tôm nuôi chính vụ nhằm kịp thu hoạch trong dịp trước, trong và sau tết. Tuy nhiên đến nay tôm nuôi chừng hơn một tháng tuổi thì bão số 9 dự báo sẽ quét qua vùng biển ở Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi trên cát ven biển. Với diện tích 300 ha, nếu bị thiệt hại do bão ước sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể thiệt hại các công trình đê bao, ao hồ.
Từ sáng 19/12, người dân nuôi tôm vùng Ngũ Điền đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho tôm nuôi trước bão Rai dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Các hồ đều nằm ven biển không chỉ có nguy cơ thiệt hại do bão mà còn có thể bị hư hỏng ao hồ, cuốn trôi tôm do triều cường, sóng tràn vào vùng nuôi tôm.
Anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải cho biết, đê bao ao hồ đều bằng đất cát rất dễ bị vỡ, sạt lở nếu bão, mưa lớn và triều cường xảy ra. Mấy ngày nay, anh huy động nhân công gia cố đê bao, dùng lưới, bạt che chắn quanh ao hồ, hạn chế nguy cơ bị vỡ bờ bao.
Anh Đăng chia sẻ, trong các đợt mưa bão vừa qua, hộ anh bị thiệt hại 500 triệu đồng, nhiều hộ khác cũng thiệt hại từ 300 triệu đến vài tỷ đồng. Từ khi khôi phục, tái thả giống đến nay tôm nuôi được chừng một tháng tuổi, nếu bị thiệt hại do bão ước khoảng 500 triệu đồng (chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, nhân công chăm sóc).
Người dân chăm sóc tôm trên cát trước bão số 9
Từ sáng nay (19/12), anh Đăng cũng như các hộ nuôi tôm trên cát ven biển ở Ngũ Điền bắt đầu phân công túc trực 24/24 giờ tại các ao hồ. Trước tình hình bão diễn biến phức tạp, khó lường, anh Đăng hầu như đêm nào cũng không chợp mắt. Chỉ một phút sơ hở, bất cẩn thì hồ tôm có thể bị vỡ bất cứ lúc nào nên phải canh chừng thường xuyên để sớm phát hiện và gia cố kịp thời khi xảy ra sự cố.
Bao tải cát, bạt, vật dụng được anh Đăng cũng như các hộ nuôi tôm chuẩn bị sẵn tại chỗ. Các hộ nuôi cũng kết nối, liên hệ với nhau để có sự hỗ trợ, gia cố kịp thời khi xảy ra vỡ hồ, hoặc tôm chết do môi trường. Mỗi hộ nuôi đều chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị phát điện dự phòng khi điện lưới gặp sự cố do bão lớn nhằm đảm bảo phục vụ tạo ô xy thường xuyên trong ao nuôi.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu nhận định, với dự báo bão số 9 diễn biến phức tạp, khó lường, vùng biển Ngũ Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ ảnh hưởng nặng. Ngoài gia cố, giằng chống nhà cửa, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ triển khai nghiêm túc các biện pháp bảo vệ hơn 70 ha ao hồ nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển, hạn chế nguy cơ thiệt hại lớn. Các hộ luôn nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó các tình huống như vỡ hồ, cúp điện, mưa lớn làm môi trường thay đổi đột ngột…
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho rằng, thường mùa mưa bão, tôm chân trắng xảy ra các hiện tượng như nhiệt độ, độ pH, ô- xy, độ mặn… trong nước giảm nhanh, đột ngột khiến tôm không kịp thích nghi. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời tôm có thể xảy ra một số dịch bệnh do khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn, hô hấp kém…
Trước diễn biến bão số 9 phức tạp, người dân cần chủ động chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi bị cúp điện, chuẩn bị bao tải cát, bạt, các vật dụng phục vụ gia cố khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao, ao hồ. Trong điều kiện mưa lớn, kéo dài, người dân cần bón thêm vôi, khoáng, tháo lớp nước bề mặt, đồng thời bổ sung thêm nguồn nước phù hợp giúp ổn định độ kiềm, pH…
Bài, ảnh: Hoàng Triều