|
|
Các ngân hàng đều triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp |
Thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất lần thứ 2 trong năm 2023. Và mới nhất, lãi suất tái cấp vốn được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng vẫn được giữ nguyên.
Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng Nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Quỹ tín dụng Nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Ngay sau khi các quyết định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, đồng loạt các ngân hàng trên địa bàn đều có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng đều có mức giảm 0,3-0,5% ở một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng đều được các ngân hàng điều chỉnh giảm về mức 0,5%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm sâu xuống còn 0,1 – 0,2%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, mức lãi suất tiền gửi cao nhất áp dụng là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, các kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 5,4%/năm.
Với khối các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất ngắn hạn đồng loạt giảm về mức trần quy định. Trong đó, VPBank niêm yết mức 0,5%/năm cho kỳ hạn dưới 1 tháng và 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Các kỳ hạn khác được ngân hàng này giữ nguyên, cụ thể mức 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 12 tháng, giảm hơn 1% so với thời điểm sau tết. Ngân hàng ACB cũng giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng về mức tối đa được phép và giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn trên 6 tháng.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng thương mại cũng cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt tốt hơn các cơ hội kinh doanh.
Thống kê từ NHNN tỉnh cũng cho thấy, hiện, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai trên 40 chương trình tín dụng với nhiều điều kiện ưu đãi đối với doanh nghiệp. Nhiều chương trình không có giới hạn về quy mô vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên được hưởng mức lãi suất ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa 5%. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng lực đẩy tín dụng để khôi phục và phát triển sản xuất.