Dự án mở rộng đường Hà Nội đã đưa vào sử dụng
Cơn bão số 2 của năm nay đã hình thành. Thế nhưng, việc giải ngân vốn đầu tư công của nước ta năm nào cũng chậm. Chẳng những chậm mà còn rất chậm. Năm nào, ở Trung ương là Thủ tướng, ở địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh cũng ra sức đốc thúc. Thậm chí là còn đưa ra những giải pháp mạnh, ví như “đơn vị nào chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ chuyển vốn cho các đơn vị khác…”. Nói thì nói vậy, nhưng ít thấy đơn vị nào bị chuyển vốn, vì các đơn vị, địa phương có muôn ngàn lý do chính đáng để biện minh. Cho nên tình trạng chậm vẫn cứ diễn ra. Đối với cả nước, tính đến hết tháng 7 vốn đầu tư công mới giải ngân được 34,5% (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong bối cảnh như vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công ở Thừa Thiên Huế có khá hơn, tính đến hết tháng 6/2022 nguồn vốn giải ngân đạt 45%. Như trên đã nói, do yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình (chưa nói đến các yếu tố khác như vật liệu xây dựng, nguồn cung đất san lấp, cát xây dựng thiếu; giá cả vật liệu leo thang theo giá xăng dầu tăng…), cho nên chúng ta cũng rất khó dự đoán những tháng cuối năm vốn đầu tư công sẽ được giải ngân như thế nào.
Nguyên nhân của việc chậm cũng đã được nhận diện từ lâu, như kế hoạch phân bổ nguồn vốn chậm, vướng mắc về thủ tục và trong việc giải phóng mặt bằng, thậm chí là năng lực của các nhà thầu không đáp ứng tốt… Đối với cả nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, năm đầu tiên kế hoạch đến mãi tháng 7 mới thông qua. Điều này dẫn đến một hiện tượng “dồn toa”. Chỉ riêng yếu tố về kế hoạch đã cho chúng ta một hình dung – đã chậm năm này thì rất dễ kéo theo việc chậm của năm sau. Đã thế, năm nay lại có thêm một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm hơn so với yêu cầu. Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ nói chung”.
Động chạm đến công trình là liên quan đến đất đai và giải tỏa đền bù. Vốn những công việc này đã phức tạp. Giờ lại thêm tâm lý e ngại nữa thì không hiểu việc chậm giải ngân vốn đầu tư công của nước ta còn kéo dài đến bao giờ?
Ở Thừa Thiên Huế, trong điều hành, công việc này luôn luôn được lãnh đạo tỉnh chú tâm đốc thúc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập 4 tổ giám sát, quản lý các dự án đầu tư. Việc phân công trách nhiệm rõ ràng nên hy vọng là tránh được tâm lý “e ngại”.
Giải ngân nhanh vốn đầu tư công là việc cấp thiết. Chính nó tạo ra công trình hạ tầng, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, thông qua đó tác động đến phát triển kinh tế… Vốn đầu tư công là một yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP và tạo nên những điều kiện để phát triển kinh tế lâu dài. Cho nên, ngoài việc đòi hỏi giải ngân nhanh thì cũng đồng thời đòi hỏi hiệu quả. Nếu giải ngân nhanh mà công trình kém chất lượng, chẳng hạn, thì về lâu dài, chưa chắc nó trở thành một yếu tố thúc đẩy phát triển mà còn làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách. Đây là một yếu tố cần lưu ý trong đầu tư công.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HT