|
Trình diễn quy trình xử lý, ủ rơm rạ bằng cơ giới hóa tại HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) |
Mỗi năm bình quân ở Thừa Thiên Huế đưa vào diện tích gieo cấy lúa khoảng 54,5 nghìn ha, ước tính lượng rơm rạ thải ra trên đồng sau thu hoạch khoảng 218.000 tấn (mỗi ha khoảng 4 tấn). Ngoài một lượng rơm không đáng kể được bà con nông dân thu gom để nuôi gia súc, làm nấm… phần lớn còn lại được đốt ngay trên đồng dẫn đến lãng phí, cũng như gây ra những tác hại không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu tận dụng nguồn rơm rạ nói trên để làm phân hữu cơ vừa góp phần làm sạch môi trường, giảm ô nhiễm và giảm phát thải, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, vừa có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế chia sẻ, hiện nay giá vật tư tăng cao, nhất là giá phân bón hóa học tăng gấp 2-3 lần so với trước đây đã gây áp lực cho người sản xuất nông nghiệp. Vì vậy Trường đại học Nông Lâm đã liên kết Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) mong muốn hướng dẫn người dân tận dụng rơm rạ vứt bỏ mà mang đi ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, nhằm giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Mới đây, tại HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền), Trường đại học Nông Lâm phối hợp với IRRI tổ chức nghị tập huấn, trình diễn về xử lý và sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp cho người dân địa phương. Dịp này, người dân phấn khởi hào hứng khi mắt thấy tai nghe, được các chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn kỹ quy trình ủ rơm rạ làm phân bón hữu cơ bằng cơ giới hóa, như: chuẩn bị luống ủ gồm rơm và phân bò, dùng máy đảo trộn luống ủ lần đầu, quá trình giữ nhiệt, thông thoáng, làm mát và quá trình thành phẩm phân hữu cơ… Đây là quy trình được kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng bằng cơ giới máy trộn liên kết máy kéo đảo trộn rơm liên kết. Thời gian cho việc dùng rơm ủ phân hữu cơ với công nghệ này là 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống, như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia IRRI, công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm giúp đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ hơn khoảng 50% so với phân bón trên thị trường. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Một lợi thế khác biệt của công nghệ này là kết hợp giữa cơ khí (hay vật lý) và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng hữu cơ. Việc dùng rơm ủ phân hữu cơ đã góp phần giảm khí phát thải nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm rạ tại đồng là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.
Với những ưu điểm của công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ, hiện nay cũng như thời gian đến ban, ngành chức năng liên quan, địa phương cần vận động, khích lệ người dân nhân rộng sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ sau thu hoạch. Thay vì trước đây nông dân đốt bỏ rơm rạ trên đồng, thì nay tận dụng, tái tạo nguồn hữu cơ dồi dào, đảm bảo đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp sạch...