Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương chỉ đạo, rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí. Trên cơ sở đó, bộ này sẽ đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, để khắc phục tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc buông lỏng quản lý; kiểm tra, rà soát xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai; đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, xử lý các dự án chậm, chưa đưa đất vào sử dụng và báo cáo kết quả về bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị, đề xuất các giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa nguồn lực đất đai vào sử dụng hiệu quả, tránh để hoang hóa, lãng phí./.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ (chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ); trong đó có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án trên) gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng.
Theo Vietnam+