ClockThứ Năm, 21/01/2021 19:23

Bực chiếc taxi mà ngẫm

TTH.VN - Phải giao lưu với đối tác cuối năm, bắt anh tài xế cơ quan chở đi, rồi ngồi đợi để chở về, thấy tội nghiệp, lòng không nỡ. Thôi, gọi chiếc taxi mà đi cho tiện. Vậy là nhấc điện thoại alo, tổng đài tiếp nhận, cảm ơn và bảo sẽ có xe liền. Thế là yên tâm ngồi chờ.

Grab không được thí điểm kết nối trên xe hợp đồng ở địa bàn tỉnhDự thảo quy định quản lý đối với Grab taxi tiếp tục bị phản đốiBộ GTVT đề xuất 'cởi trói' cho taxi, 'siết' Uber và Grab

Số lượng taxi hiện nay ở Huế không đáp ứng đủ nhu cầu những lúc cao điểm.

5 phút, 10 phút, 15 rồi 20 phút trôi qua, vẫn không thấy xe tới. Định gọi hãng khác, nhưng sợ nhỡ xe tới lại không có khách cũng tội nghiệp người ta, nên để an tâm, tôi gọi lại đến tổng đài để test.

“Dạ, anh thông cảm. Xe đang kẹt hết anh ơi…”. Trời! Kẹt thì cũng phải gọi lại cho người ta tí chơ. Làm lỡ việc hết. Tôi càu nhàu và bấm hãng khác. Khi đến được nơi thì khách đã đợi cả tiếng đồng hồ rồi. Cảm thấy mình sao mà bất nhã. Phải xin lỗi xin phải, thanh minh thanh nga mãi. Bởi tính tôi, ngại nhất là làm phiền người khác. Cũng may, mấy vị khách đều thân tình và hiểu tính nết nhau cả, nên không khí cũng nhanh xuề xòa vui vẻ. Họ bảo cũng dễ hiểu thôi, trời mưa rét, lại thêm cái “100” (Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông) rất gắt, taxi “cháy” là phải.

Vòng về, đã chuẩn bị tâm thế nên lo gọi xe trước cả quãng. Vậy mà vẫn phải chờ. Lý do cũng không gì khác ngoài “cháy” xe. Đứng một mình thu lu dưới mái hiên chờ xe, lòng lan man nghĩ, mùa mưa lạnh ở Huế thường rất lê thê. Như năm con chuột Canh Tý 2020 vắt qua đầu năm 2021 này, liên tục mấy tháng trời gần như không thấy mặt trời ló dạng. Mưa rét tê tái, lại đúng dịp cuối năm, mùa cưới xin tấp nập, thêm lực lượng chức năng ra quân xử phạt hành vi sử dụng rượu bia theo Nghị định 100 đang ráo riết. Taxi không đủ đáp ứng là tất yếu.

Chỉ với taxi thì cung không đáp ứng cầu, mà đầu tư thêm thì có lẽ cũng ít ai muốn mạo hiểm, bởi Huế diện tích nhỏ, dân số không nhiều, đầu tư ra gặp lúc nắng ráo, ít lễ hội, ít cưới xin thì taxi dôi thừa ế ẩm, không kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là vậy sao không mở cửa mời gọi các thành phần khác tham gia kinh doanh hoạt động vận tải một cách linh hoạt hơn, dạng như grab chẳng hạn? Kể cả xích lô nữa, cũng nên có ai đó suy nghĩ giúp các bác tài xích lô- một loại hình vận tải vốn dĩ rất đặc trưng và nổi tiếng của Huế- biết áp dụng công nghệ tương tự chạy grab để phục vụ những cuốc xe gần, hay phục vụ đối tượng hành khách ưa nhẩn nha phố xá.

Chút bia rượu lúc gặp mặt giao lưu là thói quen, là nhu cầu rất bình thường trong cộng đồng.

Đi Sài Gòn, Hà Nội nhiều lần, thấy sử dụng grab rất tiện, rất rẻ và cũng rất lịch sự. Huế sao không áp dụng là thắc mắc của nhiều người. Có lẽ, sợ grab vào taxi truyền thống sẽ “rắc rối”; rồi cơ chế quản lý, thuế má còn gặp khó sao đó. Nhưng thiết nghĩ, khó gì rồi cũng gỡ được, miễn thực tâm muốn gỡ. Còn cạnh tranh thì mặc định của cơ chế thị trường, không thể lãng tránh mãi. Vấn đề là có lợi cho người sử dụng, được cộng đồng tiêu dùng hoan nghênh chấp nhận, thì phải nên phát triển, không thể lãng tránh mãi được.

Lại nữa, không biết bàn cái này có “trúng trật” gì không, song thấy nó sát sườn cuộc sống nên không thể không bàn. Đó là, cái sự phát triển phương tiện vận tải công cộng nói chung, vận tải công nghệ nói riêng nó liên hệ vô cùng mật thiết với hệ thống “rét-tô-ran” (restaurant) từ to nhỏ cho đến "chí mén". Dân ta từ trong nam ra chí ngoài bắc, nói gì thì nói, dẫu chẳng hay ho gì nhưng như đã thành tập quán (mà chắc là, nếu may mắn thì cũng phải lâu lâu nữa mới có thể thay đổi), đó là buồn hay vui, giao lưu hay gặp mặt, thậm chí là cả làm việc nữa, gì gì cũng phải có dăm ba ly mới… khí thế. Nhưng rồi lại đụng cái “anh 100”, anh này “vướng” nhưng quan điểm của người viết cũng như thấy dư luận chung là ủng hộ, vì an toàn giao thông, vì bảo vệ tính mạng và hạnh phúc của nhiều gia đình và của cả xã hội, nên phải rất cần khuyến khích làm ráo riết, làm thường xuyên và kiên trì. Làm ráo riết triệt để, nhưng mà gọi không có hoặc thiếu xe thì quả là quá chừng chừng kẹt.

Đã có thời gian nhà hàng quán nhậu tất cả đều “ngồi đồng”, chủ nhà hàng kêu, người làm công kêu, người bỏ mối thức ăn đố uống, rau tiêu hành ớt kêu, mấy em bé bán kẹo, bán đậu lạc, mấy chị bán vé số… tất cả đều kêu. Mà cánh “xị xô” tất nhiên cũng chẳng vui vẻ gì. Gần như “đóng băng” cả.

Xích lô grab cũng là ý tưởng không tồi (?)

Ngẫm thế mới thấy, tư duy để khuyến khích, mở hướng cho các loại hình vận tải hành khách phát triển như trên đã đề cập, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi người mà còn góp phần giúp cho sinh kế, kinh tế của nhiều gia đình, nhiều thành phần trong xã hội cùng phát triển.

Bên cạnh đó, nó cũng khiến cho cộng đồng không thấy quá bức bí với “anh 100”, ngược lại, có khi còn tạo thói quen hưởng ứng, chấp hành khẩu hiệu “Đã uống rượu bia không lái xe” một cách tự giác.

Bài-ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp đặt 50 ghế đá phục vụ người dân, du khách

Sáng 28/8, Công ty TNHH Grab Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch tổ chức lễ trao tặng dự án hỗ trợ lắp đặt ghế đá, trụ trang trí Grab tại 3 địa điểm: Đại Nội Huế, chợ Đông Ba, đường Phú Mộng.

Lắp đặt 50 ghế đá phục vụ người dân, du khách
Cuốc grab vui vẻ

Đang chạy thì chiếc xe bỗng trở chứng, loay hoay hoài không nổ, tôi phải dắt đến tiệm sửa xe gần đó gửi lại nhờ xử lý, rồi gọi grab để đi tiếp cho khỏi lỡ cuộc hẹn.

Cuốc grab vui vẻ
New York hướng tới áp dụng phí tắc nghẽn đầu tiên của Mỹ

Mới đây, New York (Mỹ) đã bày tỏ mong muốn áp dụng phí tắc nghẽn đầu tiên ở Mỹ, một quốc gia “yêu thích ôtô”. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sự phản đối gay gắt, bao gồm cả từ những chiếc taxi vàng nổi tiếng của thành phố.

New York hướng tới áp dụng phí tắc nghẽn đầu tiên của Mỹ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top