|
|
Tắc nghẽn giao thông khiến lượng khí thải ở New York gia tăng đột biến. Ảnh minh hoạ: AFP/Báo Lao động |
Đánh phí để bảo vệ môi trường
Kế hoạch này, tương tự như việc đánh phí đã có từ lâu ở London và Singapore, được đưa ra nhằm mục đích cải thiện chất lượng không khí ở thành phố “Big Apple” bằng cách giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường phố Manhattan.
Thêm vào đó, nó cũng tìm cách tăng doanh thu cần thiết để nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm vốn đang ọp ẹp và đang được 4 triệu dân New York sử dụng mỗi ngày.
Kế hoạch dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới song hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc đánh thuế tài xế ở một quốc gia nơi ôtô “là vua”.
Các quan chức khẳng định, việc thu phí sẽ giúp ích cho môi trường bằng cách giảm ô nhiễm và làm cho thành phố không bao giờ ngủ trở nên hiệu quả hơn bằng cách tăng tốc thời gian di chuyển.
John McCarthy, phát ngôn viên của Cơ quan Giao thông Vận tải Đô thị New York (MTA) cho biết: “Đánh phí tắc nghẽn là một cơ hội mang tính hế hệ”.
Theo đó, kế hoạch sẽ tính phí những tài xế lái xe vào phố 60 ở Manhattan, một khu vực bao gồm các khu kinh doanh của Midtown và Phố Wall.
Hiện MTA chưa ấn định mức phí, nhưng chính quyền New York đang xem xét mức phí 23 USD trong giờ cao điểm và 17 USD cho giờ thấp điểm.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch này, tài xế taxi Wein Chin lo lắng rằng khoản phí này sẽ khiến giá chạy taxi trở nên thấp hơn. Được biết, anh kiếm được khoảng 300 – 400 USD/tuần và đang phải vật lộn để trả khoản vay 170.000 USD mà anh đang nợ để xin giấy phép lái xe taxi.
Liên minh Công nhân Taxi New York, một nghiệp đoàn đại diện cho 21.000 tài xế taxi ước tính, khoản thuế này có thể khiến các tài xế mất thu nhập khoảng 8.000 USD/năm.
Chủ tịch công đoàn Bhrairavi Desai cho biết, khoản phí này có thể gióng lên hồi chuông báo tử đối với một số tài xế vốn đã gặp khó khăn trong những năm gần đây do sự gia tăng số lượng tài xế Uber và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Khí thải Carbon
Các quan chức đã đề nghị giảm giá để xoa dịu người dân New York có thu nhập thấp.
Cụ thể, các quan chức cho hay, khoảng 700.000 phương tiện đi vào khu vực định giá được đề xuất mỗi ngày, nhiều ôtô chỉ đi được 7 dặm/giờ do tắc nghẽn giao thông.
Kế hoạch này nhằm mục đích mỗi ngày giảm 10% lưu lượng xe trên đường, từ đó hỗ trợ giảm lượng khí thải Carbon Dioxide (CO2).
Các quan chức trích dẫn các nghiên cứu cho thấy khu vực trung tâm London đã giảm 20% lượng khí thải CO2 sau khi đưa ra mức phí tắc nghẽn vào năm 2003.
Tim Donaghy của tổ chức Greenpeace cho biết: “Chúng tôi biết ô nhiễm xe cộ là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu gây hại cho cả hành tinh và sức khoẻ của chúng ta. Việc tránh xa ôtô và hướng tới sử dụng nhiều phương tiện giao thông công cộng hơn là một bước đi đúng hướng và có thể tạo ra các thành phố lành mạnh hơn, lấy người dân làm trung tâm”.
Trong một thông tin có liên quan, kế hoạch của New York đã được thực hiện trong nhiều năm. Michael Bloomberg đã đề xuất thu phí vào năm 2007 khi ông còn là thị trưởng của thành phố, nhưng phải đến năm 2019, các nhà lập pháp mới đạt được thoả thuận.
Chính phủ liên bang sau đó đã bật đèn xanh cho đề xuất này vào tháng 6 năm nay, với các quan chức địa phương cam kết sẽ công bố các khoản phí vào mùa xuân 2024.