Theo thống kê của We are social, Việt Nam hiện có khoảng 64 triệu dân sử dụng internet (xấp xỉ 67%) và thuộc top 20 quốc gia có số dân sử dụng internet đông nhất trên thế giới. Trong đó, xu hướng truy cập internet của người Việt là bằng điện thoại thông minh, chiếm 72%.
Chuyển dịch kinh tế số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Chuyển dịch kinh tế số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tích cực áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản trị thông qua phương thức bán hàng, tỷ lệ sử dụng công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa (robotic)...
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử với khoảng 5.000 doanh nghiệp trong năm 2018, có 43% doanh nghiệp đã sử dụng website, 15% sử dụng ứng dụng di động và 32% sử dụng mạng xã hội để kinh doanh.
Hình thức quảng cáo cũng chuyển dịch từ các loại hình truyền thống như báo giấy (18%), truyền hình (15%) sang sử dụng mạng xã hội (43%), công cụ tìm kiếm (31%) và ứng dụng di động (11%).
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 được thực hiện giữa Temasek (Singapore) và Google đánh giá mảng kinh tế số của Việt Nam như "con rồng chuyển mình". Kinh tế internet của đất nước hơn 90 triệu dân đã tăng trưởng 38% giai đoạn 2015 – 2018, đạt quy mô 9 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là thương mại điện tử gần như tăng gấp đôi so với năm 2017.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số là sự gia tăng các rủi ro an ninh mạng trên tất cả phương diện, bao gồm rủi ro mới, số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại.
Theo Kaspersky Lab (công ty an ninh mạng toàn cầu), năm 2018 Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Riêng trong tháng 1/2019, trung bình mỗi ngày, Việt Nam đã hứng chịu tới hơn 800.000 mã độc. Còn nếu tính theo tỷ lệ người dùng internet, 21,5% người dùng ở Việt Nam phải đối mặt với các mối đe doạ tấn công mạng thời gian qua.
Đại diện Kaspersky đánh giá, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam thường xuyên nằm trong top những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất là do chưa có một chiến lược quốc gia tổng thể và toàn diện về an ninh mạng.
"Các giải pháp chính sách khác nhau ở từng mức độ nhất định về vấn để bảo đảm an toàn thông tin mạng đã được định hình, tuy nhiên việc thiếu một chiến lược quốc gia tổng thể, toàn diện cũng như một quy trình cụ thể, rõ ràng về bảo đảm an toàn thông tin mạng đang là điểm yếu của Việt Nam", ông Vũ Quốc Thành, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đánh giá.
"Nhận thức, năng lực về sử dụng internet an toàn của đa số người dùng Việt còn nhiều hạn chế dù hàng loạt các luật về an toàn thông tin, an ninh mạng đã ra đời. Năm qua, một loạt các vụ việc về mất an toàn thông tin, nhất là vụ rò rỉ dữ liệu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã cảnh tỉnh nhiều người dùng Việt. Tuy nhiên, năng lực sử dụng internet an toàn nói chung vẫn còn nhiều hạn chế", ông Thành cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, tính phức tạp, đa phương diện và liên quan đến nhiều chủ thế khác nhau, vượt ra ngoài biên giới cứng quốc gia khiến cho an ninh mạng trở thành vấn đề chính sách phức hợp và không có một giải pháp duy nhất.
"Việt Nam cần tiếp cận chính sách toàn diện và hệ thống đa giải pháp cho vấn đề an ninh mạng, trong đó huy động cả 3 khu vực Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân người dùng tham gia", ông Đồng khuyến nghị.
Thêm vào đó cần có chương trình truyền thông, giáo dục sâu rộng về an toàn internet để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dùng internet Việt, bao gồm người dân, doanh nghiệp.
"Trước đây, Việt Nam từng thực hiện các nỗ lực truyền thông lớn về "An toàn giao thông" thì hiện nay, cần nỗ lực truyền thông về hành vi lướt web, làm việc trên môi trường internet và số hóa an toàn là cực kỳ cần thiết", ông Đồng nhấn mạnh.
Theo VOV