|
Giống bưởi hồng da xanh thích ứng với vùng đất bồi ven sông Bồ và sông Ô Lâu nên cho giá trị kinh tế cao
|
Đến xã Phong Thu (Phong Điền) khi mùa thanh trà, bưởi đang vào vụ. Gần 100 ha thanh trà và bưởi đỏ cho trái to, đều được các thương lái đến mua tận nơi với giá từ 12.000-20.000đ/trái. Bên cạnh đặc sản thanh trà, cam sành và quýt, vụ mùa năm nay nhiều hộ dân trong xã vui mừng khi cây bưởi hồng được đưa về từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Nai đã cho quả và chất lượng tốt.
Vườn bưởi của gia đình anh Trần Văn Hào năm nay được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận đến tham quan và tấm tắc khen. Hàng chục cây bưởi giống thuần chủng do anh mang về từ huyện Xuân Trường (Đồng Nai) giờ trĩu quả. “Mặc dù mới trồng thí điểm 3 năm, song giống bưởi hồng thích hợp với vùng đất bồi nên cho quả nhiều. Trái bưởi khi chín có vỏ mỏng, ruột hồng mọng nước và có vị chua dịu, hơi ngọt và không the. Hiện, các thương lái đến tận nhà đặt mua với giá từ 30.000-50.000đ/quả tùy theo trọng lượng và kích thước. Nếu tính theo diện tích, giống bưởi này cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với thanh trà và bưởi đỏ nên năm tới, tôi sẽ nhân giống để trồng thêm khoảng 1.000m2.” anh Hào cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thu khẳng định: “Thế mạnh của Phong Thu là trồng các loài cây có múi như thanh trà, cam, quýt. Đa số diện tích trồng các loại cây này là vùng đất bồi nằm ven sông Ô Lâu, tận hưởng phù sa qua các mùa lũ nên cho trái nhiều, mọng nước và có vị ngọt. Giống bưởi hồng mặc dù mới trồng thử nghiệm trên 1 ha song cho trái tốt, giá trị kinh tế cao nên sắp tới, xã sẽ vận động người dân nhân rộng mô hình, đồng thời liên kết với các siêu thị để đưa sản phẩm vào phân phối và quảng bá rộng rãi với người dân.”
Từ năm 2008, hộ gia đình ông Hồ Phùng trú ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) lặn lội vào TP Hồ Chí Minh đặt mua giống bưởi hồng về trồng thử trên vùng đất bồi dọc bờ sông Bồ. Sau 3 năm chăm sóc theo hướng dẫn của người dân sở tại, buởi hồng đã cho thu hoạch và kết quả ngoài mong đợi. “Nếu so với thanh trà và bưởi đỏ thì bưởi hồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao gấp đôi. 500m2 bưởi hồng sau thu hoạch bán được gần 20 triệu đồng. Hiện, tôi đang nhân giống và trồng thêm 1.000m2, đồng thời thử nghiệm lai tạo hai giống buởi đỏ Huế và bưởi hồng Bến Tre để tạo ra giống mới mang tên bưởi Phùng Thiện phục vụ người tiêu dùng. Nếu thành công, sau 2 năm nữa Huế sẽ xuất hiện loại bưởi mới và chắc chắn sẽ có hương vị ngon, ngọt mang đặc trưng của hai miền.”, bác Hồ Phùng chia sẻ.
Nói về kế hoạch chuyển đổi một số diện tích thanh trà sang trồng bưởi hồng, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà - ông Châu Văn An cho biết: “Hiện, phường có trên 100 ha thanh trà và bưởi đỏ, đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Để cây bưởi hồng sinh trưởng và phát triển tốt, sắp tới phường sẽ tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc và hướng dẫn người dân cách chiết cành, ươm giống bưởi hồng nhằm phát triển loại đặc sản mới, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nỗi lo của chính quyền địa phương và các hộ trồng là đầu ra cho sản phẩm khi nhân rộng mô hình. Bởi, đây là loại trái cây mới, có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thanh trà, nếu trồng nhiều, khâu tiêu thụ sẽ gặp khó.”
Qua khảo sát thị trường, hiện loại bưởi hồng có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây được bày bán khá nhiều tại hai siêu thị Big C, Co.opMart. Còn bưởi hồng trồng tại địa phương do chưa được người tiêu dùng biết nhiều nên chủ yếu là đưa vào tiêu thụ tại các khách sạn, nhà hàng dùng để chế biến món ăn và phục vụ khách du lịch, số còn lại bán tại các chợ truyền thống. “Đây là năm đầu tiên tôi chọn loại bưởi hồng trồng tại Huế và khá bằng lòng với loại đặc sản này bởi nó rất ngon. Mặc dù có giá khá cao, 40.000- 50.000đ/trái song chất lượng thì không chê vào đâu được”, chị Nguyễn Thị Hà, trú tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà chia sẻ.