ClockThứ Năm, 25/08/2016 14:10
THẨM ĐỊNH NĂNG LỰC TÀI CHÍNH:

Cách tốt nhất để có những nhà đầu tư tiềm lực

TTH - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh - Nguyễn Tạ Hiền khẳng định, thẩm định năng lực tài chính ngay từ khi doanh nghiệp có ý định đầu tư mới hạn chế được tình trạng dự án chậm, treo dài hạn và nợ xấu.

Ông Hiền giải thích, lâu nay, quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn vẫn còn “ngược”. Tức là, doanh nghiệp đến Thừa Thiên Huế đầu tư trải qua các quá trình, thủ tục cần thiết, được cấp giấy phép rồi mới tiếp cận ngân hàng vay vốn. Thế nên, có nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính hạn chế, chỉ làm nửa vời hoặc chiếm chỗ, không thực hiện dự án vẫn được cấp phép đầu tư. Do đó, cần thay đổi cách làm, bằng việc tiếp cận và thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp trước khi cấp phép đầu tư, thông qua các ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Tạ Hiền – GĐ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh. Ảnh: Võ Nhân

Theo ông, điều này có gây khó khăn cho doanh nghiệp, khi mà chủ trương trải thảm đón nhà đầu tư đang được được tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn bao hết?

Tôi cho rằng, điều đó là cần thiết và làm tốt hơn môi trường đầu tư của tỉnh. Chúng ta luôn chào đón nhà đầu tư, nhưng phải là nhà đầu tư tốt, đến Thừa Thiên Huế để tạo công ăn việc làm, giúp Huế phát triển cũng là giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, thị phần.

Dù “trải thảm” đón nhà đầu tư, nhưng không có nghĩa tất cả các nhà đầu tư đều được chào đón, nếu mục đích của họ đến Thừa Thiên Huế chỉ để chiếm đất, chiếm dự án rồi để đó, càng làm môi trường đầu tư tại Huế thêm xấu đi. Đó cũng là thực tế hiện nay, khi có khá nhiều nhà đầu tư chiếm chỗ, chiếm dự án trên địa bàn khiến tỉnh phải dùng nhiều giải pháp để xử lý, trong đó có thu hồi, giao cho doanh nghiệp khác và kéo theo nhiều hệ lụy khác như nợ xấu…

Như ông vừa nêu, chính những doanh nghiệp chưa được thẩm định năng lực tài chính đã được cấp phép đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến và gia tăng nợ xấu trên địa bàn?

Tôi không nói là tất cả các doanh nghiệp, các dự án chưa được thẩm định năng lực tài chính đều dẫn đến nợ xấu. Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp có thực lực tài chính, làm ăn chân chính. Song, nếu thẩm định năng lực tài chính tốt, tỉnh sẽ thấy được doanh nghiệp nào đủ điều kiện để cấp phép, doanh nghiệp nào không. Như thế, sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng dự án “treo” hoặc chỉ thực hiện nửa vời, rồi “bỏ của chạy lấy người” và tránh được nợ xấu tồn đọng kéo dài.

Ông có thể nói về tình hình nợ xấu trên địa bàn hiện nay? So với khu vực và cả nước, Thừa Thiên Huế có cao không?

Xin khẳng định tỷ lệ nợ xấu ở Thừa Thiên Huế so với cả nước không cao, chưa tới 1%, tương đương 296 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ an toàn được cho phép là 3%. Đây là con số thực, đã loại trừ các khoản bán nợ cho  Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Con số 296 tỷ đồng nợ xấu cũng không phải nhỏ. Có cách nào xử lý dứt điểm không, thưa ông?

Đây là vấn đề của cả nước. Dù Quốc hội đã bàn, song vẫn chưa có giải pháp khả thi. Điều đó còn do các văn bản quy định của pháp luật. Có quá nhiều quy định còn vướng trong việc xử lý nợ xấu, nên không chỉ chúng tôi, mà cả hệ thống pháp luật còn lúng túng trong việc xử lý.

Đó có phải là nguyên nhân khiến các khoản nợ xấu kéo dài?

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đang khởi kiện ra tòa liên quan đến các vụ xử lý nợ đọng, nợ xấu. Quá trình này mất khá nhiều thời gian, nên việc xử lý nợ đọng, nợ xấu theo đó cũng kéo dài. Đó là chưa kể do một số nguyên nhân khách quan như, số lượng thẩm phán ít, trong khi số lượng án dân sự nhiều, không xét xử kịp. Đơn cử, như ở Tòa án Nhân dân TP. Huế có 41 vụ án của các ngân hàng thương mại, thì có đến 32 vụ tạm đình chỉ, 6 vụ xử lý, tồn đọng 3 vụ.

Hầu hết các ngân hàng TMCP đều thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng tín dụng

Nói thế có nghĩa là không có cách nào khác để xử lý hoặc hạn chế nợ xấu?

Có chứ! Như tôi đã nêu, thẩm định năng lực tài chính là cách tốt nhất giúp tỉnh có những nhà đầu tư có tiềm lực. Đó cũng là cách tốt nhất giúp hạn chế tình trạng nợ xấu… Và, tôi đã phát biểu tại hội nghị Tỉnh ủy cách đây không lâu.

Đây là quan điểm, đề nghị, tham mưu của tôi với tư cách là lãnh đạo cơ quan quản lý về mặt Nhà nước ở lĩnh vực ngân hàng, nhằm giúp hạn chế tình trạng nợ xấu và dự án treo. Còn việc triển khai thực hiện do tỉnh quyết định.

Còn với các ngân hàng thương mại, quan điểm này của ông được triển khai, chỉ đạo thực hiện như thế nào?

Ngân hàng Nhà nước không có chức năng thẩm định các dự án, chức năng này thuộc về các ngân hàng thương mại. Do đó, chúng tôi chỉ có thể đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện điều này. Tuy nhiên, nếu không có đề nghị của chúng tôi, bản thân các ngân hàng thương mại cũng luôn đặt vấn đề này lên hàng đầu trước khi thực hiện cho vay. Nếu không làm thế, rủi ro chỉ có thể thuộc về ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, có thể hiểu là trung gian giữa cho vay và huy động vốn để hưởng chênh lệch lãi suất. Nếu cho vay mà không thu hồi được nợ thì lấy đâu ra tiền để trả lãi cho khách hàng gửi tiền. Vì thế, họ luôn luôn thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp một cách cẩn trọng trước khi cho vay. Đây cũng là cơ sở tốt, để khi cần tỉnh có thể tham khảo thông tin về năng lực tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định cấp phép đầu tư.

Nghĩa là lâu nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai điều này?

Vâng! (Các NHTM đều có thẩm định đối với các dự án có vay vốn ở ngân hàng mình - PV). Như hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 do UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức vừa qua là một ví dụ. Tại hội nghị này, tất cả các doanh nghiệp ký kết hợp tác vay vốn và cả những doanh nghiệp được cấp phép đầu tư đều cũng đã được BIDV tìm hiểu và thẩm định đủ năng lực tài chính. Do đó, việc triển khai dự án chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Vậy ông có đề xuất, hiến kế gì để vừa giúp tỉnh thu hút đầu tư, vừa triển khai dự án hiệu quả?

Tôi nghĩ rằng, tỉnh chỉ cần ban hành danh mục các dự án cần kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực gì, khu đất nào? Nếu có doanh nghiệp đến đầu tư, tỉnh có thể mời các ngân hàng thương mại hợp tác thẩm định năng lực tài chính. Nếu được mới quyết định cấp phép đầu tư sẽ hạn chế được những tồn tại lâu nay ở lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

TÂM HUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc
"Chìa khoá vàng" từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách

Hiện nay, khi mà các phương pháp thủ công, tốn thời gian tiềm ẩn nhiều sai sót thì ở Quảng Điền, chuyển đổi số tài chính - ngân sách đã từng bước cho thấy hiệu quả. Đây là địa phương đầu tiên được triển khai thí điểm mô hình này.

Chìa khoá vàng từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top