|
Thanh trà Huế - Sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể |
Muộn còn hơn không. Nhưng điều quan trọng là phải rút ra được một kinh nghiệm nào đó để có cái nhìn bao quát mới đảm bảo cho sự lâu dài. Trong khi mới đây thôi là “dính” quy chuẩn về bảo vệ thực vật.
Có hai điều cần mổ xẻ và nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Thứ nhất: Những người lên tiếng về chất lượng sầu riêng không đảm bảo, cụ thể ở đây sầu riêng bị hái non, sầu riêng bị sống sượng không đủ độ ngọt, thậm chí là không thể chín được. Thứ hai: Nơi phát hiện là từ sự kiểm tra của nước ngoài. Với hai điều nói trên chúng ta nghĩ gì?
Một phần nông dân của chúng ta làm ăn “không ngon lành” là đúng rồi, dù không phải là tất cả hoặc là số ít. Mà việc tiêu thụ nông sản của chúng ta thì ai cũng hiểu qua rất nhiều khâu - từ người trồng đến thương lái (nhỏ) mua gom - đến đại lý - đến những người xuất khẩu. Người trồng thấy được giá là họ bán, tất nhiên là phải có người mua thì người nông dân mới bán được. Người mua, cứ cho khâu đầu tiên trong các khâu tiêu thụ là người mua gom nhỏ lẻ (mà chúng ta thường gọi thương lái). Nếu họ không bán được cho người mua tiếp theo, có thể là đại lý thì họ đã không mua. Một khi đến người xuất khẩu, họ chắc chắn là có điều kiện kiểm định chất lượng hơn. Họ phải kiểm định và xử lý để làm sao đạt chất lượng nghiêm ngặt nhất rồi mới xuất khẩu. Thế mà khi qua khỏi biên giới rồi thì đối tác… chê. Nhà xuất khẩu có thể nói là những người chủ động nhất trong quá trình tiêu thụ nông sản. Mua hay không mua là tùy ở họ. Yêu cầu chất lượng như thế nào là cũng ở họ. Chính những nhà xuất khẩu cũng cần nhìn lại năng lực, các điều kiện thẩm định, xử lý chất lượng của mình. Đương nhiên, để khỏi thiệt hại cho một ngành, khâu bắt đầu phải là từ quy trình trồng trọt, tức là từ nông dân.
Đến đây thì chúng ta thấy, một quy trình xuất khẩu nông sản qua rất nhiều khâu. Nhưng khâu nào “cũng lủng”. Ngay như đến bộ chủ quản ở lĩnh vực nông nghiệp cũng không chủ động được quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch cho nên mới đề nghị các đơn vị “khẩn trương” xây dựng những điều này. Đến thời điểm này, chúng ta đã phát triển một ngành hàng nông nghiệp tỷ USD rồi mới yêu cầu xây dựng quy trình chất lượng - canh tác, chất lượng thu hoạch… cũng là điều lạ.
Điều thứ hai: Tất cả thông tin về chất lượng không đảm bảo đều được nêu từ đối tác nước ngoài. Một câu hỏi liên quan: thế thì thị trường trong nước như thế nào? Có phải vì thị trường trong nước “dễ tính”; việc kiểm nghiệm chất lượng để cung cấp cho thị trường thiếu nghiêm ngặt hoặc thậm chí là… thả nổi. Hay người tiêu dùng của chúng ta nếu gặp phải những trường hợp kém chất lượng thì cũng không biết… kêu ai. Cùng lắm là đến người bán (nếu ở gần) “khiếu nại”, nếu người bán chấp nhận thì trả lại tiền còn nếu người bán nói rằng tôi cũng mua nhầm như vậy thì người tiêu dùng cuối cùng cũng đành chấp nhận thiệt thòi. Còn rất nhiều câu hỏi và có lẽ rất nhiều việc phải làm cho việc cung cấp mặt hàng nông sản ở thị trường trong nước.
Chúng ta không thể nói một cách võ đoán, nhưng quan sát quá trình sản xuất (không chỉ mặt hàng sầu riêng) nhiều mặt hàng nông sản, cung cách tổ chức tiêu thụ từ chợ truyền thống đến cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ; từ gánh hàng rong đến những chiếc xe máy, ô tô cung cấp nhiều loại mặt hàng nông sản… thì chúng ta đều biết khó mà kiểm soát được chất lượng. Với tư cách về mặt quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp cũng chỉ dừng lại ở chỉ thị, quy định còn kiểm soát việc thực hiện cho đúng, cho tốt lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Như vậy, gọi thị trường trong nước là một thị trường dễ tính, thậm chí là dễ tính nhất… có lẽ cũng chẳng sai. Chúng ta phải tìm kiếm những điều kiện để dần nâng lên “tính khó tính” của thị trường mới mong người tiêu dùng được hưởng lợi.