|
Ngâm mình thu hoạch nưa |
Mấy ngày qua, người dân xã Quảng Thọ ngâm mình trong nước lũ để thu hoạch nưa dù sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn thương phẩm. Hàng xóm, các hộ dân giúp đỡ nhau ra đồng thu hoạch nưa để bán, mong vớt vát phần nào công sức, vốn liếng bỏ ra mấy tháng nay. Chuyện giúp nhau thu hoạch nông sản trong mùa mưa lụt cũng đã trở thành lệ thường tốt đẹp từ ngàn xưa của dân vùng thấp trũng.
Theo người dân, theo thời vụ phải đến 2-3 tuần nữa cây nưa mới đến kỳ thu hoạch, chột nưa cũng như củ nưa mới đạt chất lượng, năng suất và bán được giá. Vì chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên giá chột nưa giảm đến 40-50%. Ông Nguyễn Thuyền ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ chia sẻ, nếu thu hoạch đúng thời vụ như mọi năm thì giá mỗi kg chột nưa trên 20 ngàn đồng. Tuy nhiên vụ này, do thu hoạch sớm nên giá chỉ 10-15 ngàn đồng/kg.
Trên địa bàn huyện Quảng Điền có hàng chục ha nưa, trong đó nhiều nhất tại xã Quảng Thọ hơn 5ha. Chột nưa từ lâu có thể chế biến nhiều món ăn đặc sản, dân dã của xứ Huế. Củ nưa cũng là món được nhiều người ưa thích. Cây nưa một thời là loại cây cứu đói đối với nhiều hộ gia đình vùng thấp trũng ở Quảng Thọ và huyện Quảng Điền nói chung.
|
Người dân Quảng Thọ đội mưa thu hoạch nưa "chạy" lũ |
Và loại cây này trở thành một trong những loại cây trồng truyền thống, đặc trưng của xã Quảng Thọ từng đi vào thơ ca với bài "Con cá, chột nưa" của nhà thơ Tố Hữu. Vài năm trở lại đây, cùng với một số loại cây trồng, vật nuôi, Quảng Thọ đưa cây nưa vào đối tượng chủ lực tại địa phương. Bình quân mỗi ha nưa có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ nếu không ảnh hưởng bão, lũ.
Theo ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, cây nưa rất dễ trồng, nếu so với các loại cây trồng khác như khoai lang, môn, mướp đắng thì hiệu quả kinh tế loại cây này cao hơn. Hiện toàn xã có khoảng 5ha nưa, chủ yếu trồng tại thôn Niêm Phò, La Vân Thượng, La Vân Hạ, Tân Xuân Lai...
Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua làm hư hỏng một số diện tích rau má và rau màu ở huyện Quảng Điền với tỷ lệ hư hại từ 30 - 50%.
Riêng đối với cây nưa, chính quyền địa phương đang thống kê số liệu thiệt hại cụ thể để có hướng hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới.
Qua đợt lũ này, địa phương sẽ tính toán toán, cơ cấu lại khung lịch thời vụ gieo trồng trong những năm tiếp để tránh thiệt hại do mưa lũ trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.