Theo đó, việc xây dựng luật trên phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN, người dân. Hơn nữa, đây là bước đi nhằm nhất thể hóa các thủ tục đầu tư, không để tái diễn tình trạng nhiều điều khoản ràng buộc, trói chân DN ở các bộ luật chuyên ngành khác nhau.
36 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đề xuất bãi bỏ
Theo Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 07 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề theo quy định phải kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Với Dự thảo Tờ trình của Chính phủ, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được giảm 49 ngành, nghề so với Danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014 hiện hành (thời điểm trước đã có một số ngành nghề được gỡ bỏ)
Trước đó, đầu tháng 9/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra đề xuất bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014, trong đó có nhiều ngành như kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành ô tô, truyền hình trả tiền, kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, kinh doanh dịch vụ thoát nước; sản xuất vàng miếng, hoạt động in - đúc tiền, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ... Đồng thời, bộ này cũng kiến nghị bổ sung 14 ngành nghề kinh doanh vốn được thả tự do vào "giỏ" ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội có rất nhiều rào cản kinh doanh, tự do đầu tư được kiến nghị sửa đổi, xóa bỏ.
Điển hình, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề và địa bàn nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên và môi trường...
Điển hình là quy định cấp phép, phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hiện thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, nhiều dự án đã và đang được cấp phép tràn lan, phá vỡ quy hoạch phát triển, dư thừa và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ngành sản xuất xi măng, sắt thép và lọc hóa dầu, nhiệt điện… Theo Chính phủ, việc bổ sung này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hơn.
Về thuận lợi hóa đầu tư và hoạt động của DN, Tờ trình của Chính phủ kiến nghị sửa đổi các điều nhằm đơn giản hóa thủ tục "đăng ký đầu tư" và "đăng ký doanh nghiệp" của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng giải quyết liên thông các thủ tục này tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Sửa đổi Điều 26, yêu cầu Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế.
Môt điểm nữa là, Chính phủ kiến nghị bãi bỏ quy định về chế độ báo cáo hàng tháng (báo cáo thống kê) của DN đến cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ báo cáo.
Về điều này, trước đó, tại Hội nghị tiếp thu các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp (DN) diễn ra vào tháng 7/2016, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam "kêu than" mỗi năm phải làm 72 báo cáo gửi Bộ KH&ĐT vì quy định tại Thông tư 04/2011/TT-Bộ KH&ĐT: yêu cầu báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với DN có yếu tố nước ngoài áp dụng từ tháng 3/2011.
Theo Dân trí