5-7 người tụ tập thành một chợ "chạy" trên đường phố Huế
Không vào được các chợ
Họ là một nhóm khoảng từ 5-7 người, tụ họp nhau lại, người thì bán rau hành, người thì bán thịt, cá… hầu hết đến từ các vùng quê nghèo của tỉnh, chỉ bán hàng vào những ngày nông nhàn với sản vật của địa phương.
Dừng xe để mua bó rau muống, ít thịt heo, những người bán hàng bảo với tôi: “Về ăn đi rồi biết, của nhà đấy, không sợ chi mô. Nếu ngon mai ghé mua tiếp”. Sao không vào chợ mà bán? Các chị trả lời: “Khi mô nhà có rau, hành, mổ con heo, hay bắt được con cá, con tôm, chúng tôi mới mang ra đây bán, chứ phải bán thường xuyên mô mà vào chợ. Trước đây, thỉnh thoảng có đem ra chợ bán nhưng bị các chị trong chợ không cho vì nói chúng tôi bán giá rẻ khiến các chị không bán được. Hơn nữa, các chị đã đăng ký bán hàng, chúng tôi chỉ bán dạo vào những lúc rỗi thì mình không bán được ở chợ là đúng. Ngồi vỉa hè bên ngoài chợ thì bị các chú giữ trật tự đuổi đi; cứ chạy quanh hết chỗ này đến chỗ kia”.
Đúng là như thế, lúc trước tôi thấy các chị này bán bên ngoài chợ An Cựu ở đường Đặng Văn Ngữ. Sau khi bị lực lượng chức năng đuổi, các chị chuyển qua bán đầu đường Phan Chu Trinh nhưng cũng không được bao lâu vì đội trật tự đô thị đến dẹp. Ngưng một thời gian khá lâu, mấy hôm trước, tôi thấy các chị lại bày hàng ra bán ở đầu đường Hải Triều, được mấy hôm, nay lại thấy chuyển về cuối con đường này.
Lo thêm cho cuộc sống gia đình
Lân la trò chuyện, tôi mới thấy hết được sự cố gắng, vất vả của các chị bán hàng dạo ở đây. Chị Dương Thị Hạnh, đến từ xã Phú Hồ, huyện Phú Vang nói: “Ở dưới quê, làm mấy sào ruộng cũng đủ ăn, nhưng tiền tiêu hàng ngày thì không có, trong khi ở nông thôn thì phương này việc khác quá nhiều không biết lấy đâu ra tiền, con cái lại đang tuổi ăn tuổi học. Nhờ trong nhà có mảnh vườn, ao cá, hai vợ chồng tranh thủ trồng rau theo mùa, thả cá, nuôi gà, nuôi vịt nên cứ vào lúc rảnh rỗi, sáng sáng hai vợ chồng đèo nhau lên đây bán hàng. Mỗi ngày cũng kiếm được hơn 200.000 đồng".
Chị Trần Thị Trang, ở xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà cho biết: “Mảnh vườn gia đình tôi khá rộng, trước đây toàn cây ăn quả như mít, thơm, ổi… bán tại vườn chẳng được bao nhiêu nên chúng tôi chuyển qua trồng rau sạch, nuôi gà, mỗi ngày cũng bán được hơn trăm ngàn đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hải ở Thủy Xuân, TP. Huế thì cho hay: “Chồng chị là thợ may giày thuê, chị chằm nón, nhà không có ruộng vườn, trong khi nuôi hai con và mẹ già nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để kiếm thêm tiền phụ giúp kinh tế gia đình, hàng ngày, chị dậy từ 2 giờ sáng về chợ đầu mối Phú Hậu lấy cá, rồi đem ra đường bán lấy tiền lời. Mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000- 150.000 đồng nên cuộc sống cũng tạm ổn”.
Tôi tự hỏi hàng ngày trên địa bàn tỉnh, có bao nhiêu phiên chợ "chạy” như thế. Họ "chạy" trên từng con phố, bán hàng trong thấp thỏm sợ sệt mỗi khi thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.
Bán hàng trên đường phố không ai thừa nhận, bởi đã vi phạm trật tự an toàn xã hội, làm bộ mặt đô thị méo mó và xấu đi, đồng thời, ai sẽ kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm?
Tôi vẫn mong sao, có một ngày nào đó, những người tham gia phiên chợ "chạy" như thế có được chỗ bán tử tế, đàng hoàng, được nộp lệ phí với mức ưu đãi để họ yên tâm làm ăn trong những lúc nông nhàn nhằm cải thiện cuộc sống vốn đang rất khó khăn đối với họ và gia đình.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên