ClockThứ Bảy, 29/09/2018 12:33

Chợ đêm ở Huế: Nơi đạt chuẩn vắng vẻ, chỗ tự phát nhộn nhịp

TTH - Trong khi những khu chợ đêm (KCĐ) tự phát không đảm bảo các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy (PCCC), không có bãi đỗ xe và chưa được cấp phép hoạt động nhộn nhịp và đông khách, thì ngay trên địa bàn TP. Huế một khu mua sắm được đầu tư quy mô với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng lại vắng khách.

Tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho gần 1.000 em nhỏ khó khăn

Chưa cấp phép

Khi thành phố lên đèn, cũng là lúc KCĐ tự phát nằm trong khuôn viên Siêu thị Big C Huế bắt đầu nhộn nhịp và đông đúc. Với diện tích chật chội, song tận dụng vị thế thuận lợi nằm ngay cạnh siêu thị sầm uất, điểm giao của nhiều tuyến đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Bà Triệu nên chủ thuê khu đất này đã bố trí trên 100 gian hàng cho thuê kinh doanh.

Khu phố đêm tự phát chưa được cấp giấy phép kinh doanh trong khuôn viên Siêu thị Big C lúc nào cũng đông đúc, sôi động

Do không có bãi đỗ xe, trong khi số lượng khách đến đây mua sắm khá đông nên khu vực đường Bà Triệu (với đặc điểm không có vỉa hè) bị ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm, gây khó khăn cho người đi đường. Bên trong, các gian hàng san sát, dây điện thắp sáng giăng khắp nơi nhưng không hề có hệ thống PCCC như bình cứu hỏa, vòi phun nước nên nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Với đặc thù là khu chợ chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên nên hàng hóa cũng đủ chủng loại, chỉ dao động từ 10- 300 ngàn đồng/sản phẩm và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan.

Qua tìm hiểu, khu đất này có tổng diện tích 580m2, đây là một phần trong diện tích 10.074,5m2 đất mà UBND tỉnh cho phép Công ty CP Espace Business Huế thuê để làm trung tâm thương mại dịch vụ giải trí. Sau đó, khu đất này được Công ty CP Espace Business Huế cho Công ty CP Sông Đà Thăng Long M thuê lại. Tiếp đó, đơn vị này chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Quang Rọm và DN này đã cho Công ty TNHH MTV Trương Thụy Trí và Công ty TNHH dịch vụ Hoàng Thiên Bảo Long thuê lại khu đất này để làm mặt bằng cho các hộ kinh doanh thuê.

Cách đó không xa, tại 37 Bà Triệu, một trung tâm mua sắm sầm uất cũng sôi động không kém. Mặc dù được đầu tư quy mô trên diện tích 580m2, trang bị các thiết bị PCCC đạt chuẩn với 160 lô hàng, song KPĐ này hiện vẫn chưa được UBND TP. Huế cấp giấy phép hoạt động vì chưa hoàn tất một số thủ tục liên quan, song vẫn công khai buôn bán hằng đêm.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong khi hai khu mua sắm tự phát không nằm trong quy hoạch hoạt động nhộn nhịp và đông khách thì ngay trên địa bàn TP. Huế, trung tâm kinh doanh và mua sắm Ngô Đồng (gọi tắt là KMS Ngô Đồng) được đầu tư quy mô trên 1.400m2, tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng đảm bảo các tiêu chí về PCCC, bãi đỗ xe, an ninh trật tự tại 27 Trần Phú lại vắng vẻ đìu hiu.

Khu phố đêm Ngô Đồng ở 27 Trần Phú được đầu tư quy mô song vẫn chưa thu hút các hộ kinh doanh

Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngô Đồng, ông Văn Đình Chánh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vắng khách một phần là do các hộ kinh doanh đã đóng tiền thuê gian hàng dài hạn tại hai KCĐ ở đường Bà Triệu và khuôn viên Siêu thị Big C nên chưa thể chuyển đến đây. Hơn nữa, chỗ nào đông đúc, hàng hóa nhiều thì sẽ thu hút khách và số hộ kinh doanh thuê mặt bằng cũng tăng lên.

Ông Văn Đình Chánh cho rằng, nếu UBND TP. Huế đã đồng ý cấp giấy phép cho việc đầu tư hoạt động các mua sắm chính thống thì cũng nên mạnh tay với các chợ đêm bất hợp pháp, tự phát không đảm bảo các tiêu chí an toàn cho người dân, tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

Xử lý dứt điểm

Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ông Đồng Sỹ Toàn cho biết, hiện trên địa bàn TP. Huế có 3 khu mua sắm được đầu tư xây dựng và đang hoạt động, đó là trung tâm mua sắm sinh viên tại 37 Bà Triệu, khu mua sắm nằm trong khuôn viên Big C Huế và KPĐ của Công ty TNHH MTV Ngô Đồng tại 27 Trần Phú. Qua kiểm tra thực trạng đầu tư và kinh doanh tại các khu mua sắm, UBND TP. Huế chỉ mới cấp phép hoạt động cho KMS Ngô Đồng, trung tâm mua sắm sinh viên đang hoàn tất các thủ tục để cấp phép, còn KCĐ ở khuôn viên Big C đang xử lý các vi phạm và chấm dứt việc thuê đất trong tháng 9/2018 theo công văn của UBND tỉnh.

Theo ông Toàn, sở dĩ TP. Huế chưa xử lý các KMS tự phát mà đang vận động các DN hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư thêm thiết bị PCCC và bãi đỗ xe vì trong khi TP chưa có quỹ đất để xây dựng các KMS đạt chuẩn thì các KMS này là giải pháp để giảm tải các hộ kinh doanh rong bạ, lấn chiếm lòng lề đường gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, để hoạt động ổn định và hiệu quả, các KMS cần đầu tư nhiều và đây là một trong những khó khăn khiến các KMS lâu nay vẫn chưa được cấp phép. 

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành thông tin, để giải quyết vấn nạn lấn chiếm lòng đường vỉa hè để buôn bán rong bạ gây mất mỹ quan đô thị và mất an ninh trật tự, TP. Huế đã nhiều lần đề xuất các khu đất bố trí cho các hộ rong bạ kinh doanh hoặc xây dựng KMS, song UBND tỉnh vẫn chưa chấp thuận yêu cầu. Vì vậy, trong khi chưa có quỹ đất để bố trí xây dựng các KMS, lãnh đạo TP. Huế luôn  hoan nghênh và vận động các DN, hộ kinh doanh bỏ vốn đầu tư xây dựng các KMS đạt chuẩn. Tuy vậy, việc đầu tư phải đi kèm với các thiết bị, hạng mục thiết yếu như PCCC, bãi đỗ xe, nếu không TP sẽ xử lý nghiêm các điểm kinh doanh không đảm bảo các tiêu chí cần có.

Ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, hiện TP. Huế đang phối hợp với các sở, ban ngành liên quan triển khai kiểm tra và xử lý dứt điểm các vi phạm tại KMS ở đường Bà Triệu và khuôn viên Siêu thị Big C theo chỉ đạo của UBND tỉnh và phấn đấu sẽ hoàn thành trong tháng 9/2018.

Ngày 31/8/2018, UBND tỉnh có văn bản về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại khu vực Siêu thị Big C. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty CP Espace Business Huế để yêu cầu chấm dứt sử dụng đất cơi nới làm hàng quán buôn bán; theo dõi và cương quyết xử lý vi phạm, tham mưu xử lý thu hồi đất vi phạm theo quy định. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, UBND TP. Huế chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về xây dựng, tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời yêu cầu các ban ngành tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm trong tháng 9/2018.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bạn bè một thuở

Huế sáng nay vui hẳn. Là điểm hẹn gặp gỡ của lớp Văn K4 và Sử K4 niên khóa 1980-1984, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) sau 40 năm xa cách. Cuộc gặp mặt đầy xúc động. Đa số các bạn đều trẻ trung hơn về tâm hồn và phong cách so với tuổi trên 60. Có những người xa nhau biền biệt cả 40 năm, nay gặp lại đầy cảm động.

Bạn bè một thuở
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2: Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

Bên cạnh việc lan tỏa ra thị trường đến rộng rãi hơn với bạn đọc không những trong nước mà xa hơn là quốc tế, những ấn phẩm Tủ sách Huế về lâu dài cần được nhân rộng số lượng phát hành thông qua hình thức xã hội hóa. Xa hơn cũng cần tính toán để Tủ sách Huế thích ứng với quá trình chuyển đổi số để mọi người dễ tiếp cận. Đây là hiến kế của các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản khi bàn về đường hướng phát triển Tủ sách Huế không chỉ trong tương lai, mà cần hành động ngay từ bây giờ.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2 Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách
Return to top