ClockThứ Tư, 12/06/2024 06:04

CHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Kỳ 2-Chỉ quản lý thuế là chưa đủ

TTH - Dù có nhiều khó khăn song công tác quản lý thuế thương mại điện tử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở hoạt động quản lý thuế mà không có sự liên thông giữa các cơ quan liên quan khác thì khó ngăn chặn thất thu trong lĩnh vực này.

CHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Kỳ 1: Nhận diện hành vi trốn thuế

 Cán bộ thuế nắm thông tin trực tiếp từ khách hàng

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền

Không thể phủ nhận hoạt động quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử được ngành thuế tăng cường trong thời gian qua và đã mang lại những hiệu quả bước đầu.

Theo thống kê từ Cục Thuế tỉnh, doanh thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng qua các năm. Nếu trong 2 năm 2022 - 2023, doanh thu kê khai thuế từ hoạt động thương mại điện tử là 91.786 triệu đồng, với số thu nộp ngân sách nhà nước đạt được 2.824 triệu đồng; thì trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu kê khai thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã đạt 67.168 triệu đồng, số thu nộp ngân sách nhà nước 1.078 triệu đồng. Lũy kế đến nay, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đã kê khai thuế là 158.954 triệu đồng, số thuế thu nộp đạt được 3.842 triệu đồng. Điều đó cho thấy, hiệu quả của các giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử đã và đang dần mang lại hiệu quả.

Theo ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thương mại điện tử phát triển mạnh từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Để tăng cường hoạt động thu trong lĩnh vực này, Cục Thuế đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử. Thực hiện phổ biến các văn bản quy định pháp luật về thuế đối với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử. Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, đặc biệt hình thức thực hiện kê khai điện tử, nộp thuế điện tử cho các đối tượng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Cục Thuế đã thực hiện cảnh báo đến các đối tượng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nếu cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai thuế sẽ tiến hành thực hiện các biện pháp kiểm tra và chuyển hồ sơ thông tin cho cơ quan công an điều tra theo quy định.

Đến khai thác dữ liệu

Cục Thuế tỉnh cũng khai thác dữ liệu thương mại điện tử do các sàn thương mại điện tử cung cấp để thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử làm cơ sở cho việc rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử. Từ đó, Cục Thuế đã phát hiện và xử lý thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhưng chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ngoài ra, đối với các đối tượng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nếu chây ì nợ thuế thì Cục Thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng các hình thức như: cấm xuất cảnh; phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Trong năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã mời làm việc 3 cá nhân có thu nhập từ hoạt động viết phần mềm, bán hàng online, youtube, quảng cáo trên facebook, xử lý truy thu thuế hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra thông qua các hoạt động tuyên truyền đã có hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn có hoạt động sử dụng dịch vụ thương mại điện tử được cung cấp bởi các nhà thầu xuyên biên giới (như: Agoda, Booking…) kê khai thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Hướng dẫn kê khai bổ sung 19 hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với doanh thu kê khai hơn 25 tỷ đồng, số thuế kê khai bổ sung (chưa tính tiền chậm nộp) là 375 triệu đồng.

Năm 2023, sau khi đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực, Cục Thuế đã mời làm việc và hướng dẫn kê khai bổ sung 31 hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, với doanh thu kê khai gần 13 tỷ đồng, số thuế kê khai bổ sung là 191 triệu đồng. Đồng thời, trong năm cũng có 6 trường hợp có hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định, với doanh thu kê khai là 8,527 tỷ đồng, số thuế thu được là 127,91 triệu đồng; mời làm việc 2 cá nhân có thu nhập từ hoạt động tạo và bán gmail, dịch vụ quảng cáo trên facebook, xử lý truy thu thuế hơn 429 triệu đồng.

Điều này cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật thuế của người bán hàng trên sàn thương mại điện tử ngày càng được nâng cao. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là từ việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền hỗ trợ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, Cục Thuế đã áp dụng các giải pháp công nghệ để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như: sử dụng hệ thống kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử qua Etax để hướng dẫn người nộp thuế chủ động thực hiện nghĩa vụ bằng phương thức điện tử mà không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế; sử dụng hệ thống giám sát hóa đơn điện tử để rà soát, kiểm tra và phát hiện các trường hợp có hàng hóa mua vào lớn nhưng kê khai đầu ra doanh thu thấp.

Phối hợp sẽ phát huy hiệu quả

Cùng với các giải pháp chống thất thu trong nội bộ ngành, Cục Thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác để chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử và phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này. Cụ thể phối hợp với Công an tỉnh mà cụ thể là Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có phát sinh doanh thu, thu nhập nhận được nhưng chưa kê khai nộp thuế theo quy định. Phối hợp Sở Công thương thu thập thông tin các tổ chức, cá nhân bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã được Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phê duyệt; các tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để buôn bán hàng hóa nhưng chưa được phê duyệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các tổ chức tín dụng nắm bắt thông tin liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…

Ngoài ra, để quản lý thuế lĩnh vực này một cách hiệu quả theo ông Hà Văn Khoa, cần có sự tham gia rất lớn của các sàn thương mại điện tử.

Và để quản lý hiệu quả nguồn thu từ sàn thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế trong đó quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn. Việc nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.

Bài ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top