Khách hàng giao dịch tại VietinBank Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được xây dựng dựa trên giả định về phát triển kinh tế vĩ mô và giả định bối cảnh kinh tế quốc tế cũng như kinh tế trong nước.
Như vậy, nếu những giả định này thay đổi thì sẽ xảy ra rủi ro tới quá trình thực thi dự toán.
Đơn cử chúng ta dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế là 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tăng trưởng xuất khẩu 8%, giá dầu khoảng 70 USD/thùng.
Nếu tăng trưởng không đạt được mức 6,5% hoặc lạm phát tăng cao hơn dự kiến hay bất kỳ nguyên nhân nào đó tác động theo hướng không thuận lợi thì lập tức sẽ tác động thẳng vào hoạt động ngân sách nhà nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu.
Liên quan đến tổ chức thực hiện, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, rủi ro có thể xảy ra trong cơ cấu về chi.
Theo kế hoạch, Chính phủ dự kiến chi cho đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi cho ngân sách nhà nước, nhưng như một số ý kiến của chuyên gia thì vấn đề giải ngân đầu tư công cũng là rủi ro.
"Tức là chúng ta đặt ra mục tiêu về chi, nhưng tổ chức thực hiện không tốt thì không thực hiện được dự toán chi. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ quay trở lại tác động vào tăng trưởng kinh tế với những kết quả không như mong muốn," ông Nguyễn Minh Tân cho hay.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác liên quan đến bối cảnh thế giới như tình hình diễn biến rất nhanh, không lường trước được.
Quan điểm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện là sẽ bám sát Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt được kết quả cao nhất cả về thu-chi.
Thông qua việc phấn đấu tăng thu thì sẽ có nguồn lực cho cải cách tiền lương và đáp ứng tốt hơn công tác an sinh xã hội cũng như giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, việc thực thi dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Chính phủ sẽ có Nghị quyết điều hành phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; trong đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng sẽ đưa ra các kịch bản điều hành của mình.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô; Bộ Tài chính sẽ có kịch bản điều hành ngân sách nhà nước ứng với các phương án tăng trưởng kinh tế. Các kịch bản sẽ được các bộ, ngành nghiên cứu thêm, đặc biệt từ nay đến tháng 12/2022 khi bối cảnh kinh tế đang diễn biến rất nhanh.
Trên phương diện ngành tài chính, ông Nguyễn Minh Tân mong muốn các dự báo Bộ Tài chính đưa ra sẽ được hoàn thành tích cực. Trên cơ sở đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được triển khai nhanh chóng và đạt được kết quả cao nhất.
Theo TTXVN/Vietnam+