ClockThứ Hai, 10/09/2018 06:00

Chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị: Khó nhiều tiêu chí

TTH - Sau hơn 5 năm triển khai Thông tư 17 và Thông tư 02 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, toàn tỉnh chỉ có 3 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mớiHương Bình công bố xã đạt chuẩn nông thôn mớiSớm xây dựng Nam Đông thành huyện nông thôn mới

Xây dựng các trung tâm văn hóa để duy trì sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các địa phương là tiêu chí cần thiết. (Ảnh minh họa)

Nhiều tiêu chí khó đạt

Ba xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là Quảng Phú (Quảng Điền), Hương Vinh (Hương Trà) và Hương Phong (A Lưới), còn 2 phường là Trường An, Phú Hòa của TP. Huế được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Đây là tỷ lệ quá thấp so với tổng số 152 xã, phường, thị trấn.

Thực tế triển khai phong trào ở các địa phương cho thấy, tiêu chí đạt các danh hiệu trên không dễ. Đại diện Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, quy định trung tâm văn hóa – thể thao xã có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, ổn định về tổ chức, hoạt động thường xuyên, hiệu quả và 100% thôn có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó có 50% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính là điểm vướng mắc nhất, do kinh phí đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã rất lớn, đòi hỏi nguồn xã hội hóa cao.

Ở một số địa phương, dù trung tâm văn hóa - thể thao xã đã xây dựng nhưng còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, hiệu quả; nhà văn hóa cấp thôn vẫn chưa đạt đúng chuẩn theo quy định. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế, băn khoăn: “Việc xây dựng trung tâm văn hóa phường đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động hiệu quả rất khó thực hiện, nhất là đối với các phường hiện không còn quỹ đất hoặc quỹ đất ít”.

Để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển bền vững về chất và lượng, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành hướng dẫn bình xét và công nhận các danh hiệu này, trong đó quy định 90% trở lên hộ gia đình không vi phạm những hành vi nghiêm cấm tại quy định xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định về đốt và rải vàng mã còn diễn ra, việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa nghiêm túc là rào cản để tăng số lượng công nhận danh hiệu này.

“Gian nan” nhất là tiêu chuẩn “Có từ 50% thôn, làng, ấp, bản trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng, ấp, bản văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên”.  Bởi, theo quy định chung, chỉ cần vượt mức về tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thì không được công nhận “Thôn văn hóa”.

Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Điền cho biết: “Tiêu chí đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới cao hơn nhiều so với xã nông thôn mới. Hiện nay, các địa phương ở Quảng Điền mới tiệm cận giới hạn tối thiểu để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới”.

Phường Trường An là một trong hai phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị

Tập trung nguồn lực

Trong lộ trình công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa luôn là “gánh nặng” của nhiều địa phương. Để nâng cao tỷ lệ đạt danh hiệu này, UBND các huyện cần ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư các tiêu chí còn thiếu, yếu với các xã đã được công nhận nông thôn mới. Các phường, xã cũng cần rà soát các tiêu chí chưa đạt về cơ sở vật chất để tham mưu HĐND các cấp bố trí nguồn lực đầu tư...

Theo mục tiêu quy hoạch của TP. Huế, đến năm 2020 sẽ phấn đấu 80% số phường có trung tâm văn hóa và đến năm 2030 thì hệ thống trung tâm văn hóa, thể thao phường đạt 100% các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, bố trí quỹ đất để 27 phường đều có đất xây dựng trung tâm văn hóa thể thao. Bà Quỳnh Dao cho hay: “Vấn đề bây giờ là kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí xây dựng, khai thác hợp lý các trung tâm văn hóa phường nhằm nâng cao chất lượng thiết chế này theo hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, TP. Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành nếp sống văn minh đô thị”.

Việc thực hiện tốt các tiêu chí trên không phải một sớm một chiều mà phải có thời gian vận động cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình công nhận để danh hiệu khi được công nhận là thực chất, phát huy được tính phong trào và đảm bảo các nguyên tắc trong bình xét thi đua. Năm 2016, TP. Huế không xét công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị cho phường Hương Sơ và Phú Hội do những đơn vị này chưa có trung tâm văn hóa cũng như việc chấp hành nếp sống văn minh đô thị còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Ngành văn hóa đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư để hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa; kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, cho phép vận dụng các công trình khác phục vụ cho văn hóa được xem  như thiết chế văn hóa; đồng thời vận dụng linh hoạt, hợp tình, hợp lý đối với tiêu chí thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị
Tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Ngày 30/10, tại hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ 2 (khóa X) đã biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh

Công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh được đầu tư xây dựng nhằm từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng và định hướng phát triển không gian đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch đề ra.

Đảm bảo tiến độ công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh
Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo

Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các lĩnh vực chính: Văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục và khoa học - công nghệ. Để người dân hiểu và chung sức phát huy các giá trị, thế mạnh ở bốn lĩnh vực này, công tác tuyên giáo đòi hỏi tiếp tục triển khai hiệu quả hơn.

Nâng cao hiệu quả tuyên giáo ở lĩnh vực văn hóa và khoa giáo

TIN MỚI

Return to top