Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu kết luận tại cuộc họp
Xây dựng nông thôn mới còn nhiều rào cản
Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Phụng cho biết, KT-XH 8 tháng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân ngày một nâng cao, quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội ngày càng được tăng cường; các chương trình trọng điểm và chương trình công tác của UBND huyện được triển khai đúng tiến độ.
Dự ước kết quả thực hiện các nhiệm vụ KT-XH năm 2018: tổng giá trị sản xuất tăng 12,6%; trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 13,3%, nông-lâm-ngư nghiệp 4,0%, dịch vụ tăng 22,8%. Một số chỉ tiêu nổi bật khác là thu nhập bình quân đầu người 31,7 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt 4.500 tấn; tỉ lệ hộ nghèo còn 8,6%; tỉ lệ hộ dùng nước sạch 45%; tỉ lệ độ che phủ rừng 83,3%...
Trong năm, việc thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện đã huy động tốt nguồn lực trong dân, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển sản xuất. Huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế vườn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Cây cao su đang gặp khó về đầu ra là trở lực lớn trong việc nâng cao thu nhập cho người dân
Diện tích cây cao su hiện có 3.146ha, với diện tích cây có chất lượng tốt 2.400ha (76%) đang khai thác 2.900ha. Tuy nhiên, do giá thấp nên người dân đang khai thác cầm chừng, sản lượng khai thác chỉ ước đạt 2.500 tấn mủ, đạt 22,5%. Ngoài ra, một số đề án như xây dựng thương hiệu cam Nam Đông, mật ong ruồi Nam Đông cũng được thực hiện tốt...
Tuy nhiên, một trăn trở lớn là tỉ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2016 đến nay vẫn chưa chuyển biến tốt, vẫn duy trì mức 5 xã, trong khi mục tiêu của huyện là đến năm 2021, huyện Nam Đông phải đạt chuẩn NTM. Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư từ cấp trên còn ít, ngoài sự nỗ lực của người dân, của địa phương, đề nghị tỉnh cần tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để các xã sớm đạt những tiêu chí về giao thông, thủy lợi, nước sạch, nhà văn hóa...
Một tồn tại nữa trên địa bàn huyện là số lượng học sinh các cấp học giảm so với đầu năm vẫn còn nhiều (đã có 122 em bỏ học, trong đó học sinh THCS có 95 em); tình trạng sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng, chưa khắc phục được...
Nuôi ong lấy mật đang mở ra triển vọng cho một bộ phận người dân Nam Đông
Hiện, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện các chuỗi giá trị: cam Nam Đông, chuối đặc sản, dứa Hương Sơn, rau rừng, dược liệu và trồng rừng gỗ lớn... nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho Nhân dân. Huyện Nam Đông cũng đề xuất, kiến nghị tỉnh 7 nội dung như: nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và đẩy nhanh các đề án phát triển nông nghiệp; nước sạch cho 5 xã vùng cao; kinh phí sự nghiệp phát thanh- truyền hình...
Liên quan những kiến nghị của huyện, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đã làm rõ, bổ sung thêm nhiều ý kiến quan trọng về một số vấn đề để Nam Đông làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển KT- XH năm 2019.
Phải nâng cao thu nhập cho người dân
Hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc Nam Đông
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh chỉ đạo phát triển KT- XH của huyện Nam Đông trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2016-2021.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đặt ra câu hỏi để lãnh đạo huyện và các sở, ban, ngành suy nghĩ, trăn trở giúp cho huyện đó là: nhiệm vụ đến cuối năm 2020 huyện có đạt NTM hay không? Đồng thời, yêu cầu cần có chính sách gì hỗ trợ cho huyện, cho xã. “Xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, để người dân có cuộc sống sung túc hơn, no ấm hơn. Do đó, huyện cần có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì để tỉnh trợ lực, hỗ trợ, tập trung nguồn lực cho NTM”- Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho Nam Đông để trở thành huyện điểm trọng phát triển KT- XH của tỉnh, thành huyện NTM trên nền tảng huyện anh hùng, các mô hình điểm. Trước mắt, huyện cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành để hoàn chỉnh kế hoạch phát triển KT- XH năm 2019. Nghiên cứu giải pháp, kế hoạch để đầu tư căn cơ hơn trong thời gian tới.
Cùng với đó, rà soát diện tích rừng để có giải pháp phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất, hướng đến mục tiêu người dân có đất sản xuất, phát triển nông-lâm nghiệp bền vững. Giảm nghèo bền vững theo tiêu chí xây dựng NTM đa chiều.
Cây cam được kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Đông
Khi đã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển KT- XH thì phải vươn tới khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, sản lượng, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất. Nông nghiệp có hay không mỗi làng mỗi sản phẩm. Nếu cam là sản phẩm chủ lực thì tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa trong xây dựng thương hiệu, nguồn giống, đầu ra. Huyện cũng cần phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu cây gì tốt hơn cây keo, phải có mô hình kiểu mẫu để có năng suất cao, hiệu quả hơn. Ưu tiên phát triển cây dưới tán rừng như dược liệu, dược phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện đẩy mạnh trong quản lý, điều hành về cải cách hành chính. Chú trọng triển khai mô hình 1 cửa hiện đại cấp xã, số hóa hồ sơ, tạo thông suốt từ tỉnh đến xã, giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí; nâng cao tỉ lệ người dân tiếp cận trên môi trường mạng với mức độ 3, mức độ 4. Tập trung công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy để tăng hiệu quả, hiệu lực, giảm trung gian. Nâng cao năng lực chất lượng cán bộ; hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả. Xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền và Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện làm việc với các cơ quan liên quan, sớm sây dựng lại phương án để xây dựng nhà máy nước, cung cấp nước sạch cho 5 xã vùng cao, nâng cao tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.
Bài, ảnh: Thái Bình