ClockThứ Hai, 20/11/2017 14:11

Cơ cấu lại nợ và cho vay mới để khôi phục sản xuất

TTH - Về chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 12, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) chi nhánh tỉnh Lê Việt Sỹ thông tin: Sẽ giảm lãi suất đối với các món vay cũ, nhất là không chuyển nợ mà giữ nguyên món nợ để người dân không phải chịu thêm một khoản nợ mới; đối với khoản vay mới, người dân được xem xét khả năng tài chính để miễn giảm lãi vay, ưu tiên thu gốc chứ không thu lãi...

Ông Lê Việt Sỹ

Trước thông tin ngành ngân hàng (NH), nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa kịp thời vào cuộc cùng người dân sau lũ, ông Lê Việt Sỹ khẳng định: "Khi lũ lụt xảy ra trên địa bàn bắt đầu từ ngày 5/11 thì hai ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi một số chi nhánh có liên quan để sớm có giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống, cụ thể là hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ... Tiếp theo đó, chúng tôi đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cùng phối hợp thống kê, xác định mức độ thiệt hại để có sự hỗ trợ thiết thực nhất. Chúng tôi cũng đã tiến hành họp triển khai và chỉ đạo các NHTM sớm có báo cáo đánh giá thiệt hại và triển khai các chính sách về hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn để người dân tái đầu tư sản xuất, chăn nuôi trồng trọt".

Hiện đã có NHTM nào triển khai chính sách hỗ trợ về nguồn vốn và thống kê thiệt hại chưa, thưa ông?

Bước đầu đã có thống kê sơ bộ từ phía NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh, với mức thiệt hại khoảng 43 tỷ đồng. NH Chính sách-Xã hội (VPSP) chi nhánh tỉnh hiện đang thống kê. Một số NH khác sau khi có chỉ đạo của chúng tôi đang triển khai công việc này. Mưa lũ ảnh hưởng phần lớn đến hoa màu, cá nuôi lồng bè trên các sông nên người chịu thiệt hại chủ yếu là ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, là khách hàng chủ yếu của Agribank và VPSP, các NH khác khá ít, tuy vậy chúng tôi cũng chỉ đạo các NHTM xem đây là nhiệm vụ chính trị và tập trung nhân lực, nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này.

Người dân cho rằng, việc gia hạn nợ, khoanh nợ hoặc xoá nợ chủ yếu tập trung cho hộ nghèo, còn hộ cận nghèo hoặc mới thoát nghèo rất ít được ưu tiên, ông nghĩ sao về điều này?

Việc hỗ trợ người dân cơ cấu lại nợ do thiên tai không ưu tiên đối tượng người nghèo mà tất cả khách hàng vay vốn đều được hưởng chính sách này. Theo quy định, các khoản vay đều được hưởng chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, kể cả các khoản vay doanh nghiệp, doanh nhân, do đó người dân yên tâm nếu khi đánh giá mức độ thiệt hại dưới 40% sẽ được gia hạn nợ và từ 40-80 sẽ được khoanh nợ. Tất nhiên người nghèo còn được hưởng thêm một số chính sách khác nếu là khách hàng của VPSP.

Còn việc xoá nợ thì thế nào, thưa ông?

Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNHVN, các NHTM chỉ có trách nhiệm thống kê các khoản nợ, báo cáo lên NHNNVN để có hướng xử lý. Tuy nhiên, việc này khá khó khăn và chủ yếu được thực hiện ở VPSP, sau khi NH này đã thực hiện đầy đủ các biện pháp để thu hồi nợ nhưng bất thành, hơn nữa đây là NH chủ yếu dành cho người nghèo, cận nghèo, học sinh-sinh viên nên các món vay có giá trị không lớn, chỉ vài chục triệu đồng. Và đã có những trường hợp xóa nợ nhưng không nhiều.

Việc triển khai chính sách cơ cấu lại nợ được thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đã chỉ đạo các NHTM tập trung triển khai từ nay cho đến cuối tháng 11, sau đó sẽ có đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện. Ngoài ra chúng tôi cũng yêu cầu các NHTM hàng tuần đều có báo cáo nhanh về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 12, dù NHNNVN không yêu cầu nhưng xét thấy Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại khá lớn; nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên chúng tôi buộc các NHTM phải vào cuộc kịp thời để giúp người dân sớm trở lại nuôi trồng, sản xuất.

Các hỗ trợ khác khả năng như thế nào, thưa ông?

Bên cạnh hỗ trợ khôi phục sản xuất, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Sau bão số 10, công đoàn ngành NH đã hỗ trợ tỉnh 500 triệu đồng, BIDV hỗ trợ 300 triệu đồng để giúp người dân chịu thiệt hại do bão lũ. Hiện công đoàn ngành NH cũng đang có một số chương trình, hoạt động để hỗ trợ người dân thiệt hại do ảnh hưởng bão số 12. Ngoài ra chúng tôi cũng chỉ đạo một số quỹ tín dụng nhân dân hỗ trợ cho vay để người dân tái sản xuất, kinh doanh.

Tâm Huệ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Mở rộng sản xuất nhờ vốn vay chính sách

Nhờ được vay vốn chính sách để tập trung phát triển nghề làm ruốc, nước mắm, gia đình bà Bùi Thị Vấn (thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải, Phú Vang) ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.

Mở rộng sản xuất nhờ vốn vay chính sách
Đưa hơn 1.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Chiều 27/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị đánh giá công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024; đồng thời trao đổi, giải đáp thắc mắc cùng các đơn vị liên quan, công ty dịch vụ về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Đưa hơn 1 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Return to top