ClockThứ Bảy, 05/08/2017 06:01

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Sắp chạm đích

TTH - Đến thời điểm này, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 1 DN là Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh đã thực hiện CPH nhưng chưa thành công.

Đưa nước vượt phá Tam Giang

117 doanh nghiệp đã CPH

Ông Nguyễn Chung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Trưởng Ban Đổi mới và phát triển DN tỉnh cho hay, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 117 DN hoàn thành việc CPH. Riêng giai đoạn từ 2013 đến nay, theo kế hoạch, có 6 DN phải tiến hành CPH. Tuy nhiên, mới thực hiện CPH được 4 DN, 1 DN thực hiện CPH nhưng chưa thành công là Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản và 1 DN khác là Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phong Điền đang có văn bản gửi Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Lãnh đạo Ban Đổi mới và phát triển DN tỉnh cho hay, nguyên nhân khiến việc CPH ở Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh không thành công lần đầu là do chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản của Chính phủ nên khi DN này tiến hành CPH đưa cổ phiếu lên sàn đã không thu hút người mua. Theo ông Nguyễn Thành Chung, điều này cũng khá dễ hiểu bởi không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực mà họ không nhìn thấy cơ hội thu hồi vốn chứ chưa nói đến lợi nhuận. Do đó, dù làm đúng lộ trình, song Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh chưa hoàn thành việc CPH.

Đối với Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phong Điền, Ban Đổi mới và phát triển DN tỉnh nhận thấy, nếu CPH có khả năng ảnh hưởng lớn đến đời sống, môi trường tự nhiên nên đang đề nghị Chính phủ giữ lại vốn Nhà nước ở công ty này. Cơ sở để Ban Đổi mới và phát triển DN tỉnh làm điều đó là do DN này hiện đang quản lý 1.000 ha rừng thông khu vực quanh Nhà máy xi măng Đồng Lâm và các xã vùng phía Tây của huyện Phong Điền. Nếu tiến hành CPH, khả năng DN sẽ bán, chặt hạ rừng thông để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc sử dụng đất vào mục đích khác, do cây thông không mang lại giá trị kinh tế cao, lại tốn công chăm sóc.

Theo một người có kinh nghiệm ở lĩnh vực lâm nghiệp, để có thể khai thác, rừng thông phải được trồng từ 20 năm trở lên. Bình quân 1.000 ha rừng thông chỉ đem lại doanh thu khoảng 7-8 tỷ đồng/năm và lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong khi, với diện tích này nếu trồng cây công nghiệp, lấy gỗ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn. Do đó, nếu tính giá trị kinh tế, DN sẽ chọn những loại cây trồng khác. Cây thông chỉ có tác dụng tốt trong việc bảo vệ môi trường, cân bằng, điều hòa không khí. Nếu tiến hành CPH đối với Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phong Điền, khả năng đốn hạ rừng thông là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu thế, việc ô nhiễm, bụi khói ở Nhà máy xi măng Đồng Lâm sẽ khó tránh khỏi, dù chủ đầu tư có triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hành trình đưa nước vượt phá

Sắp xếp bằng mọi cách

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch CPH giai đoạn từ nay đến 2021. Theo đó, năm 2017 tiếp tục đưa Công ty Khoáng sản tỉnh vào CPH.

Ông Nguyễn Chung Thành cho rằng, dù đã có ý kiến chỉ đạo từ cấp cao hơn nhưng với trường hợp của Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh, khả năng CPH  dường như là "nhiệm vụ bất khả thi". Gần đây DN này làm ăn ngày càng thua lỗ, bộ máy càng ngày càng thu hẹp, từ hơn ngàn người bây giờ chỉ còn vài trăm người, song những người còn lại cũng chật vật, thu nhập giảm sút do lượng titan tồn đọng nhiều không bán được.

“Vừa qua, Ban Đổi mới và phát triển DNNN tỉnh đã có báo cáo gửi tỉnh và Chính phủ về thực trạng của Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh. Lần này cũng vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục có giải trình và báo cáo với tỉnh và Chính phủ để xin cơ chế khác nếu CPH tiếp tục không thành công”, ông Chung nói.

Ban Đổi mới và phát triển DNNN tỉnh thông tin, giải pháp tốt nhất nếu không thể CPH đối với Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản tỉnh là công bố phá sản để định giá, giải quyết các tài sản của NN ở DN này nhằm kết thúc quá trình sắp xếp, CPH DNNN trên địa bàn.

Riêng 4 Công ty: Xổ số kiến thiết, Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Lâm nghiệp Tiền Phong và Lâm nghiệp Nam Hòa, tỉnh đã có chủ trương xin được giữ nguyên vốn NN và không CPH do cả 4 DN này đều hoạt động trong lĩnh vực công ích, bảo vệ môi trường, đảm bảo vận hành thủy điện, sản xuất nông nghiệp...

Ngoài ra, Nhà nước cũng đang quản lý phần vốn tại một số DN quan trọng hoạt động trong lĩnh vực công ích như Công ty CP Cấp nước tỉnh, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty CP Đường bộ 1 và Công ty CP Quản lý đường bộ và sửa chữa công trình tỉnh.

Hoạt động xuất khẩu titan gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc CPH

Nói về hiệu quả của một số DNNN, ông Thành cho rằng, việc đó sẽ có đơn vị độc lập của Trung ương đánh giá. Song điều không thể phủ nhận là việc thoái vốn NN sẽ góp phần nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các DN cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các DNNN... Ngoài có thêm vốn để đầu tư các công trình an sinh xã hội, việc CPH còn giúp Nhà nước quản lý tốt hơn nguồn vốn của mình, tránh tình trạng đầu tư vốn ngoài ngành, mua sắm trang thiết bị vô tội vạ làm thất thoát vốn NN.

Trao đổi với một số DNNN đã thực hiện CPH như Công ty CP Cấp nước tỉnh, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế… đều cho rằng, dù ban đầu có một số khó khăn nhất định, song dần dần bộ máy hoạt động tại các công ty CP có vốn NN đều cơ bản ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước được nâng lên, năng suất lao động được tính đúng, tính đủ. Việc người lao động tham gia đóng CP tại nơi làm việc còn gắn trách nhiệm và nâng cao hiệu quả làm việc, khi việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập cũng như cổ tức được nhận cuối năm.

Đến nay, hầu như các DNNN nằm trong kế hoạch lộ trình phải CPH hoặc sắp xếp theo các hình thức khác nhau đều cơ bản hoàn thành. Trong đó, các DN CPH đều đã thoái vốn gần như 100%, chỉ còn lại 1 vài DN công ích NN buộc phải nắm giữ trên 50% số vốn như Công ty CP Cấp nước tỉnh, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty CP Đường bộ 1 và Công ty CP Quản lý đường bộ và sửa chữa công trình tỉnh để khi có các sự việc, sự cố về các lĩnh vực mà DN quản lý NN có thể điều hành, chỉ đạo thực hiện. Với các DN này, nếu ban lãnh đạo điều hành hoạt động không hiệu quả, NN cũng có thay mới để đảm bảo hoạt động tốt hơn

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản
Return to top