Ngư dân Vinh Thanh chuẩn bị cho chuyến ra khơi những ngày cuối năm
Ra biển lớn có thuyền lớn
Những ngày cuối năm, thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc nhộn nhịp hẳn bởi không khí ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho một chuyến ra khơi sau ngày biển động. Thôn dân Đông Hải gọi chủ tàu cá này là những người “một cảnh hai quê”. Bởi, nhà ở xã Lộc Trì (Phú Lộc), thuyền thì đậu ở bến Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), từ tháng 2 đến tháng 10 (Dương lịch) hàng năm, họ bám biển.
Để có được chiếc tàu công suất trên 800CV như ngư dân Trần Dẻo là một hành trình gian nan. Từ chiếc tàu nhỏ công suất 90CV đánh bắt thu mua gần bờ, tích cóp vốn liếng bao nhiêu năm, anh đã sắm được tàu công suất 600CV. Mới đây, anh cũng đã đầu tư lưới mùng, máy phụ công suất 200CV để chiếu đèn, tăng tần suất thu mua và giảm rủi ro chết máy trên biển.
Anh Dẻo tâm sự: “Biển lớn thì phải có tàu lớn chú à, ra khơi mới biết tàu mình so với nước bạn còn nhỏ lắm. Giờ sắm được tàu 800CV, đi tới ngư trường Trường Sa. Đi biển trúng lớn vài chuyến là cất được nhà ngay”.
Mỗi năm, ngư dân Đông Hải ra khơi thu mua cá theo “lộ trình”: từ tháng 2 đến tháng 7, chủ yếu thu mua cá xuông, ngừ; những tháng còn lại thu mua cá gai; gần giáp tết và sau tết là mùa cá “nục dọng”.
Vận chuyển, buôn bán cá trên bờ
Hành trình bám biển trải qua nhiều ngày tháng trên con sóng khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi chuyến vào đất liền, tàu anh Dẻo thường mang 10 tấn hàng hóa ra bán cho các tàu đánh bắt. Trao đổi hàng hóa xong, mua lại cá đánh được vào đất liền bán, hình thành nên những “phiên chợ” giao dịch ngay trên biển. “Mỗi chuyến cá nục gai, mình thu mua từ biển vào bán với giá khoảng 12 nghìn đồng/kg. Cộng với nhu yếu phẩm, sau khi trừ chi phí mình lãi gần 100 triệu đồng, lợi nhuận chia cho chủ tàu cùng các thuyền viên”, anh Dẻo kể.
Tại bến Vinh Thanh (Phú Vang), những ngày cuối năm, ngư dân lại tất tả cho một chuyến ra khơi sau ngày nghỉ biển động. Lúi húi điều khiển máy tời cẩu khung lưới nặng cả tấn lên tàu, ngư dân Đỗ Văn Thành (thôn 3, xã Vinh Thanh), người ướt mồ hôi. Tàu anh Thành mang số hiệu TTH-96969, công suất gần 900CV là tàu chuyên khai thác xa bờ với nghề lưới rê tầng đáy.
Anh Thành tâm sự: “Ngày chuẩn bị ra khơi phải suôn sẻ từ lít dầu đến can nước ngọt. Mỗi tháng có hai mùa trăng, chỉ nghỉ vài ngày tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, còn lại ra khơi. Đánh bắt biển bữa nay đã khác rồi, “chợ nổi” trên biển đã tiết kiệm đường đi, thời gian bán cá, mực của ngư dân nên mỗi chuyến biển, trừ chi phí, hao hụt, không kiếm được vài chục triệu là xem như lỗ nặng”.
Hoạt động của những phiên chợ trùng khơi giúp ngư dân vững vàng bám biển
Nghĩa tình “tổ đội”
Việc thành lập tổ đội đánh bắt, hỗ trợ nhau trên biển không còn “mới lạ” với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng để có được đội tàu hậu cần, đánh bắt vùng hậu như ở Lộc Trì, Vinh Thanh là ước mơ nhiều đời của ngư dân miệt biển. Và, ước mơ đó đã thành hiện thực với những con “tàu 67” bằng sắt, những tàu gỗ ngư dân tự đóng bằng nguồn vốn tự có vươn khơi, “đường biển” bảo vệ chủ quyền.
Theo anh Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, đội tàu 40 chiếc, công suất từ 400-1.100CV ở địa phương được đầu tư bởi những ngư dân một đời bám biển-là đội tàu hậu cần kết hợp đánh bắt lớn nhất tỉnh hiện nay. Nhờ hoạt động của đội tàu này, sản lượng đánh bắt biển của địa phương đạt 10.000 tấn hải sản/năm. Bình quân mỗi năm có 2-3 tàu cá công suất lớn ở địa phương được đóng mới, bổ sung vào số lượng tàu hậu cần, đánh bắt ở ngư trường xa.
Trong câu chuyện ngư dân đánh bắt trên biển, luôn chan chứa những ân tình là lúc các thành viên trong “tổ đội” kể cho nhau nghe những lần tương trợ, cứu vớt nhau. Với họ, người được cứu nhắc lại chuyện cũ như một lời tri ân; còn người “ra tay nghĩa hiệp” kể lại như một bài học đối nhân xử thế với đời!
Lần ấy, tàu anh Trần Ri (thôn Đông Hải), công suất 800CV bị sự cố máy trên biển. Lúc đó tàu đang thu mua 20 tấn cá đang trên đường vào Đà Nẵng thì bị chết máy. Rất may, qua bộ đàm, ngư dân đến chuyển giúp số cá qua tàu bạn và lai dắt tàu anh Ri vào bờ. “Nếu không có ngư dân hỗ trợ, 20 tấn cá sẽ hỏng, tàu trôi dạt sẽ phát sinh bao nhiêu thứ khác”, anh Ri nhớ lại.
Còn tàu anh Trần Thái, công suất 90CV thu mua 15 tấn cá đang trên đường vào đất liền thì bị “lủng thủy”, gió lớn đánh nước ngập mạn tàu rồi chìm hẳn. Nhận được tin báo, gần 10 chiếc tàu cá ở Đông Hải đã “bỏ ngang” chuyến biển đến ứng cứu kịp thời. Do tàu đã chìm, ngư dân lặn vòng dây cáp qua tàu để kéo tàu bị nạn vào bờ và số hải sản phải vứt bỏ. Chuyến biển đó tàu anh Trần Thái bị lỗ nặng nhưng dẫu sao vẫn cứu được tàu.
“Tàu là nhà, còn tàu sẽ còn tất cả. Nghề biển mà không có tổ đội hỗ trợ nhau thì xem như bỏ. Không chỉ giúp nhau lúc hoạn nạn, bằng các phương tiện liên lạc, các chủ tàu cũng thông tin cho nhau điểm thu mua, những “chợ cá” trên biển sôi động cũng nhờ những tổ đội này”, anh Thái tâm sự.
Theo UBND xã Vinh Thanh, hiện tại toàn xã có 24 tàu đánh bắt xa bờ, công suất 105- 1.000 CV. Đây là đội tàu đánh bắt khá lớn của tỉnh chủ yếu hoạt động sản xuất bằng nghề lưới rê tầng đáy. Nhờ thành lập tổ đội hỗ trợ nhau hoạt động trên biển, không chỉ giúp ngư dân vượt qua khó khăn, nguy hiểm trong hoạt động nghề mà còn kết nối kênh thông tin về luồng cá đánh bắt, giá cả…
Từ những con tàu trong tổ đội, câu chuyện “hậu phương” cho những ngư phủ cưỡi sóng đạp gió, vươn vùng biển xa, đã trở thành một nhịp sống rất sinh động của làng chài ven biển Vinh Thanh. Đó là những gia đình của ngư dân hỗ trợ nhau trên biển, “hậu phương” đoàn kết trên đất liền.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 450 tàu cá đánh bắt, dịch vụ hậu cần xa bờ, công suất từ 90-1.100CV. Trong đó, có 45 tàu được đóng mới theo Nghị định 67 (có 4 tàu vỏ thép) với tổng số tiền các ngân hàng cho vay vốn đóng tàu theo nghị định này hơn 303 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 330 cơ sở chế biến, sản lượng khai thác biển đạt bình quân khoảng 33.000 tấn/năm.
Bài, ảnh: Hà Nguyên