ClockThứ Năm, 27/02/2020 14:00

Chân Mây - Lăng Cô cần lao động kỹ thuật cao

TTH - Không chỉ “khát” lao động phổ thông, Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đang rất cần lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Doanh nghiệp “khát” lao động chuyên môn cao

Dây chuyền tại Nhà máy sản xuất bánh gạo One One thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô

Cần lao động kỹ thuật cao

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý cho đến nay, dù dịch bệnh COVID-19 ít nhiều gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), song ghi nhận tại một số nhà máy, công ty ở KKT Chân Mây – Lăng Cô vẫn duy trì sản xuất khá ổn định.

Ông Bùi Hữu Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam (Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em) thông tin, đúng là dịch bệnh COVID -19 đang ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của công ty, bởi nguyên liệu chính của nhà máy chủ yếu được nhập về từ nước ngoài. Dù thế, kế hoạch tuyển dụng từ đầu năm cho đến tháng 4/2020 là 500 lao động, đến nay đã tuyển được 350 lao động.

Theo ông Long, việc tuyển dụng lao động phổ thông tại công ty đang tạm ngưng vì lý do khách quan, song hiện tại công ty đang có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, như các kỹ sư, nhân viên thiết kế mẫu mã... Nhà máy đa phần đã tự động hóa nên cần những lao động đã qua đào tạo bài bản, có thể vận hành tốt hệ thống máy móc, nhưng nguồn đang rất khan hiếm, nhất là lao động tại Thừa Thiên Huế. Từ nay cho đến tháng 4/2020, Billion Max Việt Nam cần ít nhất 30 lao động kỹ thuật cao và đang tiếp tục tuyển thêm trong thời gian đến.

Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam cho biết, riêng với lao động phổ thông, qua khóa đào tạo ngắn (1 tháng) chất lượng lao động đã đáp ứng tốt nhu cầu của công việc. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, trong năm 2020, nhà máy cần thêm ít nhất 650 lao động và sang năm 2021, khi tổ hợp nhà máy hoàn thành cần thêm khoảng 3.000 lao động phổ thông.

Kiểm tra thành phẩm tại Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em Billion Max Việt Nam

Ông Trần Trọng Thông, Trưởng Văn phòng đại diện tại KKT Chân Mây – Lăng Cô, Ban quản lý các Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động toàn KKT Chân Mây – Lăng Cô đang là 1.500 người. Nhiều nhất là tại Công ty Billion Max Việt Nam (công nghiệp) và Công ty CP Quốc tế Minh Viễn (du lịch). Thời gian đến, nhiều nhà máy sản xuất tự động sẽ tiếp tục được đầu tư vào KKT, càng đòi hỏi lao động có tay nghề. Theo ước tính sơ bộ, nhu cầu về lao động có tay nghề trong vòng 1 năm tới tại KKT trên dưới 500 người.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, huyện đã thông báo rộng rãi về nhu cầu lao động của các DN trong KKT Chân Mây – Lăng Cô để thu hút lao động trong huyện. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện để “con em” trên địa bàn về quê hương làm việc. Bằng các nguồn vốn khuyến công, huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn và DN hỗ trợ đào tạo kỹ năng cơ bản cho người dân để đáp ứng được nhu cầu từ phía DN.

Tạo điều kiện tối đa cho lao động

Theo Ban quản lý các Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, để thu hút nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản không phải là không có cách. Qua nghiên cứu, tại Huế và Đà Nẵng, hàng năm có trên dưới 1.000 lao động kỹ thuật chất lượng, được đào tạo ra trường. Để thu hút lực lượng lao động này, quan trọng là cơ chế, chính sách đãi ngộ của DN. Thực tế cũng đã chứng minh, nếu một công việc có thu nhập tại địa phương tương đương hoặc thấp hơn một ít so với các nơi khác, vẫn sẽ thu hút lao động bởi được sống gần nhà, không tốn chi phí thuê nhà.

Ông Trần Trọng Thông cho hay, thực tế, nhiều lao động chất lượng hiện nay tại KKT chủ yếu sinh sống ở TP. Huế và một số khu vực khác trong tỉnh, họ phải sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển hàng ngày, nên ảnh hưởng khá nhiều đến sự yên tâm trong công việc. Do đó, thời gian qua, Ban quản lý và các DN đã có sự thống nhất phương án đưa đón lao động. Bước đầu, tỉnh cũng sẽ có một số hỗ trợ. Đây được xem như là chính sách để lao động ở xa yên tâm đến làm việc.

“Với tầm nhìn xa hơn, để thu hút nhân lực chất lượng cho KKT Chân Mây – Lăng Cô sẽ có chính sách thu hút bằng chế độ an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ tại chỗ như nhà ở, trường học, bệnh viện… điều mà tỉnh đang tập trung thực hiện”, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban quản lý các Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh khẳng định.

Trở lại với Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam, đại diện công ty này cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu, công ty đã xây dựng được một chế độ đãi ngộ lao động phù hợp. Như lao động phổ thông sẽ có mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, cùng với đó là đóng bảo hiểm xã hội, y tế, các chế độ phúc lợi khác… Tất cả để tăng sức hút, giữ chân được lao động trong xu hướng cạnh tranh lao động không hề nhỏ như hiện nay.

Trong chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và thăm một số DN, dự án tại KKT Chân Mây - Lăng Cô đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu, dịch bệnh COVID -19 đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như các dự án đã, đang và sắp được khởi động trên địa bàn, vì vậy các cơ quan cần thường xuyên rà soát, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top