ClockThứ Bảy, 23/06/2018 14:15
LIÊN KẾT CẢNG BIỂN:

Đòn bẩy cho vùng kinh tế trọng điểm

TTH - Khu vực miền Trung có mật độ cảng biển cao nhất trong cả nước, trung bình cứ 60km bờ biển lại có một cảng. Nếu hệ thống các cảng biển liên kết với nhau, đây sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Ngư dân trúng đậm mùa cá Nam

Cảng Chân Mây là cảng nước sâu, có năng lực đón những tàu có trọng tải lớn cập cảng

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, việc kết nối các cảng biển lại với nhau sẽ mang lại hiệu quả cao trong nhiều mặt, giúp tiết kiệm chi phí quản lý và vận tải; tận dụng được khả năng xếp dỡ; có thể đón nhiều tàu vào cùng một lúc.

Thế mạnh

Tại hội nghị phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Vùng kinh tế  trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) được tổ chức tại TP. Huế gần đây, các chuyên gia kinh tế chia sẻ, sau khi Việt Nam tham gia tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đang tiến tới thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), việc liên kết vùng nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững là vấn đề đặt ra đối với mỗi địa phương.

Theo TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, trong VKTTĐMT, các khu kinh tế, công nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều năm qua, miền Trung đã có sự phát triển với các dự án lớn được đầu tư nhưng chưa đạt được như kỳ vọng với nguồn lực sẵn có.

Các chuyên gia đã chỉ ra các nguyên nhân; trong đó, sự liên kết giữa các địa phương còn hời hợt.  VKTTĐMT hiện có 4 khu kinh tế ven biển, nhưng sự liên kết giữa các khu kinh tế này chưa rõ ràng. Giao thông chưa phát triển được cho là một nguyên nhân gây cản trở sự liên kết trong khi các khu kinh tế lại có lợi thế đường biển. Lợi thế của đường biển là vận chuyển hàng hóa nhiều, an toàn hơn so với các loại hình giao thông khác.

Sự liên kết mạnh mẽ giữa các cảng sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế của tỉnh và miền Trung

Các tỉnh miền Trung có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm sát biển và có luồng lạch khá sâu để phát triển các cảng nước sâu đón tàu trọng tải lớn.  Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, miền Trung có 3 nhóm cảng biển. Các cảng đầu mối khu vực loại I gồm các cảng Nghi Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn. Tổng chiều dài mép bến của khu vực miền Trung chiếm tới 30% tổng chiều dài cầu bến của cả hệ thống cảng biển quốc gia, nhưng lại chỉ cho lượng hàng hóa bằng khoảng 12% sản lượng hàng hóa qua các cảng trong cả nước.

Vì vậy, liên kết phát triển các cảng biển VKTTĐMT là cần thiết, nhưng liên kết thế nào, cơ chế vận hành, lợi ích và trách nhiệm của từng cảng; vai trò lãnh đạo và hỗ trợ của địa phương và Trung ương… ra sao là vấn đề đặt ra.

Cần quyết sách cụ thể

Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây nhận định, VKTTĐMT đã và đang có nhiều bến cảng, điều đó rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các cảng đều định hướng mô hình xây dựng là cảng tổng hợp, đa số quy mô còn nhỏ lẻ, rất ít cảng chuyên dùng; cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động cũng khác nhau vì vậy nguồn lực bị phân tán, mâu thuẫn trong chế độ chính sách và dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bền vững.

Theo ông Toàn, để liên kết phát triển các cảng miền Trung hiệu quả,  trước tiên phải hình thành các liên kết mềm giữa các cảng trong chuỗi cung ứng bao gồm: liên kết và thống nhất các chính sách về dịch vụ; trong đó, đảm bảo các tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn giá, năng lực bốc xếp, khả năng tiếp nhận tàu... đảm bảo cung cấp dịch vụ theo cam kết và được giám sát của trung tâm điều phối hoặc chính quyền cảng theo mô hình mới.

Một giải pháp cần được đẩy mạnh hơn là xây dựng trung tâm điều phối hoặc chính quyền cảng nhằm điều phối, hỗ trợ và gắn kết các cảng biển với các hình thức vận tải khác. Đồng thời giám sát, điều phối và đưa ra khuyến nghị cần thiết trong quá trình thực hiện dịch vụ của các cảng; trong đó, chú trọng việc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, chứ không cho phép cạnh tranh về giá.

Bên cạnh đó, việc hiệp thương, sát nhập, liên kết để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau để tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn là điều cần thiết và đem lại hiệu quả cao trong nhiều mặt. Từ đó, nâng cao vị thế và thương hiệu các cảng biển miền Trung trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, đây chính là một trong những điều kiện để thu hút đầu tư vào khu kinh tế, công nghiệp.

Ông Toàn chia sẻ, Cảng Chân Mây cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc liên kết phát triển các cảng biển VKTTĐMT (gồm các tỉnh, thành phốThừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), cũng như sẵn sàng hợp tác với các cảng trong việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm khai thác cảng và dịch vụ. Tuy nhiên, để làm điều này, chỉ giữa các cảng sẽ khó thực hiện mà cần có những quyết sách cụ thể từ lãnh đạo của các địa phương.

Bài, ảnh: ĐẠI PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Liên kết để phát triển bền vững

Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.

Liên kết để phát triển bền vững
Return to top