ClockThứ Bảy, 28/04/2018 14:16

Đưa các khu công nghiệp về nông thôn

TTH - Trước tình trạng “khan hiếm” nguồn lao động tại các khu công nghiệp nằm ở trung tâm huyện, thị xã như Phú Bài, Phong Điền, Phú Đa, những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu dịch chuyển nhà máy về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để phát triển sản xuất.

Hiện đại hóa nông nghiệpTriển vọng mới từ KCN Phong Điền

Hoạt động tại CCN Hương Hòa, nhà máy may của Công ty TNHH Kim Sora dễ dàng tuyển dụng lao động khi lực lượng lao động trẻ tại huyện miền núi Nam Đông khá dồi dào

Chuyển hướng

Thành lập tháng 10/2015 ở TP. Đà Nẵng, chuyên sản xuất khẩu trang y tế và áo quần bảo hộ lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật, tháng 6/2017, Công ty TNHH Kim Sora đến Huế đặt vấn đề xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất.

Sau khi tham quan và nghiên cứu mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh và tìm hiểu nguồn lao động tại các địa phương, DN quyết định đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng xưởng may tại CCN Hương Hòa, xã Hương Hòa (Nam Đông).

Phó Giám đốc công ty- ông Dương Tuệ nhận định, hoạt động trong lĩnh vực dệt may cần số lượng lớn lao động trẻ, trong khi ở các khu CN hoặc địa bàn thành phố hiện lực lượng lao động khan hiếm, nên DN quyết định đặt nhà máy tại CCN Hương Hòa. Hiện, DN có 5 chuyền may với trên 300 lao động, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/tháng, đang đầu tư thêm 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy 2 và tuyển dụng thêm khoảng 100 lao động. Dù là huyện miền núi song hệ thống đường giao thông lên Hương Hòa khá thuận tiện, lực lượng lao động trẻ dồi dào nên công tác tuyển dụng khá suôn sẻ, đảm bảo nhà máy vận hành liên tục và đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đông- ông Võ Hữu Tuấn thông tin, nhằm thu hút các DN đến CCN Hương Hòa, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, huyện còn ưu tiên hỗ trợ vốn khuyến công để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện, huyện đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị cấp phép cho một DN sản xuất thú nhồi bông tại CCN, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Sản xuất gạch ốp lát tại La Sơn (Phú Lộc)

Để tạo quỹ đất cho các DN dịch chuyển nhà máy về vùng nông thôn, đồng thời phục vụ công tác di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về sản xuất tập trung tại các CCN, thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia, Sở Công thương đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng lập quy hoạch chi tiết cho 5 CCN (Bắc An Gia, Điền Lộc, Bình Điền, A Co và Vinh Hưng). Hiện, CCN Bắc An Gia thu hút khá nhiều DN sản xuất kinh doanh, các CCN khác đang trong quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cơ sở.

Cùng hưởng lợi

Với mục tiêu chuyển dịch CN về nông thôn, tháng 5/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương đề án “Phát triển CN nông thôn giai đoạn 2017- 2025”, trong đó định hướng phát triển các ngành CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn và phát triển ngành CN- tiểu thủ CN ở nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện cho các DN ổn định sản xuất, những năm gần đây, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư vào các CCN.

Trong số 10 CCN đã quy hoạch chi tiết, hiện có 5 cụm đã đi vào hoạt động, gồm An Hòa, Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa và Bắc An Gia với tổng diện tích trên 200ha, thu hút 123 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 1.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 7 ngàn lao động.

Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng tại các CCN, hiện mỗi năm Cục CN địa phương, Bộ Công thương đã phê duyệt đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ cho các DN, cơ sở CN nông thôn trên địa bàn tỉnh trên 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất, trong đó bao gồm 8 chương trình trọng điểm, như: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; hỗ trợ phát triển DN mới; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CN nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh cho rằng, phát triển và dịch chuyển CN về các vùng nông thôn, cả DN và người lao động cùng hưởng lợi. Hoạt động này góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN hóa, hiện đại hóa, tăng thu nhập, tạo việc làm và phân công lại thị trường lao động. Mặt khác, dịch chuyển CN về nông thôn sẽ kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động ngành CN và dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top