ClockThứ Bảy, 13/08/2022 08:06

Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, giúp tăng năng suất và nâng tầm kỹ năng lao động trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động, công nhân ở nhiều lĩnh vực trong các khu công nghiệp trên cả nước lại khiến doanh nghiệp hết sức chật vật.

Nhiều phúc lợi cho đoàn viên công nhân lao động khu Kinh tế Công nghiệp tỉnhThiếu nhân lực hay thiếu đơn hàng?Nguy cơ thiếu hụt lao động ở khu công nghiệp

Công nhân làm việc trong Nhà máy Pegatron Việt Nam trong Khu công nghiệp DEEP-C Hải Phòng. (Ảnh NGÔ QUANG DŨNG)

Tại các địa phương, sau khi kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các nhóm ngành tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động khá trầm trọng, nhất là ở các tỉnh, thành phố công nghiệp.

Doanh nghiệp "khát" lao động

Hải Phòng lâu nay vẫn được coi là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp khu vực phía bắc và là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất. Trong 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 12%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,1 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thành lập mới đã khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng theo.

Chúng tôi khảo sát, tìm hiểu tình trạng lao động tại Công ty Universal Scientific Industrial (USI) Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư 200 triệu USD, chuyên sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử thiết bị đeo tại Khu công nghiệp DEEP-C Ðình Vũ. Ðây cũng là nhà máy lớn nhất Ðông Nam Á trong tổng số 27 cơ sở sản xuất của doanh nghiệp này tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng Giám đốc Công ty USI Việt Nam Liu Hui Min cho hay, công ty hoạt động từ tháng 7/2021 và ngay trong tháng 8/2021 đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Riêng năm 2022, công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 kỹ thuật viên có trình độ từ trung cấp, cao đẳng trở lên để nâng số lao động có trình độ, tay nghề từ 14% hiện nay lên 30% và 50% trong thời gian tới... Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, chỉ tính riêng trong 9 khu công nghiệp của thành phố, số lao động cần tuyển dụng từ đầu năm đến nay khoảng 8.000 người. Riêng trong 7 tháng qua, các khu công nghiệp mới tuyển dụng được 6.000 người, thiếu hụt khoảng 2.000 người, một nửa trong số đó là nhu cầu tuyển dụng lao động từ trung cấp trở lên,… Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong hiện tại và sắp tới, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở thành phố cần nhu cầu tuyển dụng gần 50 nghìn lao động nữa. Ðáng chú ý, việc thiếu hụt nhân lực qua đào tạo, tay nghề cao đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp.

Trong khi đó, hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay là dệt may, da giày luôn trong tình trạng thiếu nhân công. Sau dịch bệnh, khá nhiều lao động có xu hướng "nhảy việc" sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn khiến nhiều cơ sở chỉ hoạt động được quá nửa công suất, nhiều dây chuyền may phải bỏ trống do không có người vận hành. Theo đại diện Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex), bên cạnh những khó khăn về nguồn cung, giá nguyên phụ liệu tăng cao,... doanh nghiệp còn đối diện tình trạng thiếu nguồn nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất. Mặc dù đơn vị đã triển khai các giải pháp nhằm kêu gọi, thu hút lao động như chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp, hỗ trợ đào tạo tay nghề,... nhưng vẫn không tuyển dụng đủ nhu cầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang, không chỉ ngành dệt may mà tất cả ngành công nghiệp, dịch vụ khác cũng rơi vào tình trạng thiếu lao động. Riêng dệt may không phải thiếu trên phương diện tổng thể mà thiếu mang tính cục bộ tại một số địa phương. Chẳng hạn, dệt may đang thiếu lao động ở các thành phố lớn bởi đại dịch Covid-19 năm 2021 tạo nên "làn sóng" chuyển dịch lao động về các địa phương, cho đến nay, lượng lao động quay trở lại làm việc vẫn chưa đạt so nhu cầu của ngành. Hiện tượng thiếu lao động còn xảy ra ở một số lĩnh vực then chốt của ngành như kéo sợi, dệt nhuộm làm ba ca... Trong quý III này, dự báo số lượng lao động sẽ ổn định dần và không bị thiếu như trước. Theo Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Pousung (Khu công nghiệp Bàu Xéo, tỉnh Ðồng Nai) Lê Nhật Trường, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp tuyển được hơn 3.500 lao động, nâng số công nhân toàn công ty lên hơn 23.000 người. Tuy nhiên, việc tuyển dụng năm nay gặp khó khăn hơn trước do số doanh nghiệp đi vào hoạt động khá nhiều ở khu vực huyện Thống Nhất, người lao động đều có xu hướng chọn nơi làm việc gần nhà. Ngoài ra, ảnh hưởng dịch, một bộ phận lao động ở trọ đã về quê không quay trở lại làm việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động khan hiếm.

Tạo cơ chế thu hút người lao động

Tổng cục Thống kê công bố, đợt dịch COVID-19 thứ tư có khoảng 2,2 triệu lao động về quê tránh dịch ồ ạt, làm đứt gãy nguồn nhân lực phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương đều có khu công nghiệp thu hút lao động tại chỗ, thu hẹp luồng dịch chuyển lao động đến các đô thị lớn, khu công nghiệp tìm việc như trước đây. Sau đại dịch, nhiều lao động cũng có xu hướng chuyển đổi việc làm, về quê sinh sống để hạn chế chi phí.

Ðối diện bài toán thiếu hụt trong tuyển dụng lao động, thành phố Hải Phòng chỉ đạo tăng cường hoạt động của các sàn giao dịch việc làm và tổ chức Ngày hội việc làm để kết nối cung cầu lao động. Ðồng thời, thành phố cũng kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với Ðại học RMIT (Australia) và các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề để lên kế hoạch đào tạo ngành nghề phù hợp và có địa chỉ đầu ra... Riêng trong 7 tháng qua, thành phố đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm và 3 ngày hội việc làm, với sự tham gia của 570 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và hơn 127.000 lao động. Cũng trong tháng 7, hơn 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 25.000 lao động đã tham gia 3 phiên giao dịch việc làm và 1 ngày hội việc làm,… Cùng với đó, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp công khai, minh bạch về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ xứng đáng, hấp dẫn đối với người lao động. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá, thu hút lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại thành phố Cảng. Ðây là cơ sở để lao động gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự phát triển ổn định, bền vững, tiết giảm chi phí cho chính doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Tổng công ty may Ðồng Nai Bùi Thế Kích cho biết, để giữ chân người lao động, công ty thực hiện các chính sách lương, thưởng cao hơn quy định, đồng thời hỗ trợ thêm khoản tiền thâm niên, tiền xăng, tiền ăn,... Tuy nhiên, công ty cũng mong muốn Nhà nước có chính sách giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh so các ngành nghề khác. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Ðồng Nai đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm với 322 doanh nghiệp tham gia, nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp. Cuối tháng 7,

nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 5.000 người, chủ yếu là các ngành dệt may, da giày. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh phê duyệt danh sách lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo quy định để ổn định lao động hiện có. Các trung tâm dạy nghề, trung cấp và cao đẳng nghề trên địa bàn khuyến khích tuyển dụng học sinh tốt nghiệp cấp ba không học đại học, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, dạy nghề miễn phí nhằm cung cấp lao động cho thị trường. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tối ưu hóa nguồn lao động thông qua việc dồn chuyền, tăng thời gian sản xuất; đào tạo nhanh nguồn nhân lực tại chỗ để cùng lúc đáp ứng được yêu cầu ở nhiều vị trí sản xuất, giúp chuẩn hóa thao tác và nâng cao năng suất... Các doanh nghiệp cũng rà soát, dành nguồn vốn thích đáng đầu tư máy móc, thiết bị tự động hóa để tiết giảm lao động, có chính sách dài hơi thu hút và giữ chân người lao động; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề; chăm lo đời sống tinh thần, lợi ích của người lao động…

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top