ClockThứ Bảy, 28/01/2023 06:30

Logistics & công nghiệp xuất khẩu xứng tầm

TTH - Mở rộng quy mô, tầm vóc các Khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư trên cơ sở “xanh”, bền vững; đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics là 2 trong số những quan tâm hàng đầu của Thừa Thiên Huế trong hành trình phát triển nền công nghiệp xuất khẩu xứng tầm.

Khai trương tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân MâySắp diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022Chi phí logistics cao, hạn chế sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam

Hàng cập cảng

Tăng trưởng “xanh”, bền vững

Toàn tỉnh có 6 KCN, trong đó, quy mô nhất là KCN Phú Bài. Tuy nhiên, nếu so với một số KCN ở Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… thì KCN Phú Bài chưa đủ tầm để thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư như các tỉnh, thành bạn.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước.

Cuối tháng 7/2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã trình bày một số kế hoạch đầu tư, phát triển các doanh nghiệp của tập đoàn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhiều cơ hội lớn được mở ra khi Vinatex đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh cho Vinatex thuê dài hạn 30,78ha đất tại KCN Phú Bài giai đoạn 4 để hình thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh, hình thành trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ toàn diện cho việc sản xuất, kinh doanh sợi.

Theo lãnh đạo Vinatex, với mục tiêu, chiến lược đầu tư phát triển đến năm 2030 tại Thừa Thiên Huế là xây dựng Vinatex trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tập đoàn này sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 180 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu đến 2030 đạt trên 500 triệu USD/năm.

Đáng chú ý, mục tiêu của Vinatex còn là nâng cao năng lực sản xuất trong các lĩnh vực: sản xuất sợi (38 vạn cọc sợi), sản xuất vải (13.500 tấn/năm), phát triển 120 chuyền may với 6.000 lao động… theo xu thế sản xuất và sử dụng năng lượng xanh, từng bước sử dụng nguyên liệu tái chế Organic, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Ngoài ra, nếu được chấp thuận, Vinatex và Công ty CP Dệt may Huế sẽ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại KCN Tứ Hạ (TX. Hương Trà), hướng tới phát triển trung tâm dệt nhuộm, hình thành chuỗi cung ứng trọn gói tại Thừa Thiên Huế.

“Các dự án của Vinatex và đơn vị thành viên triển khai tại Huế đều là những dự án sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về sản xuất dệt may xanh, tuần hoàn, quy hoạch trở thành hệ sinh thái sản xuất sợi xanh, tái chế đầu tiên của Việt Nam và Vinatex”, lãnh đạo Vinatex cam kết.

KCN Phú Bài giai đoạn IV định hướng thu hút đầu tư ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch... Trong đó, ưu tiên thu hút các DN có quy trình sản xuất xanh, sạch; hướng đến hình thành KCN tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến và phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, khu vực miền Trung nói chung.

Động thái của Vinatex phần nào cho thấy, quy mô, tầm vóc của các KCN trên địa bàn tỉnh nói chung, KCN Phú Bài nói riêng đang được mở rộng, nâng tầm. Quan trọng hơn, sự mở rộng, phát triển này song song với mục tiêu nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Và từ mục tiêu xuyên suốt này cùng tín hiệu từ Vinatex chính là động lực để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở nhiều ngành nghề khác tiếp tục vào đầu tư, qua đó, góp phần xây dựng một nền công nghiệp, xuất khẩu “xanh”, bền vững và xứng tầm.

Logistics - trở lực & giải pháp

Phát triển dịch vụ logistics là một trong những quan tâm hàng đầu của tỉnh, mà ở đó, cảng Chân Mây chính là đầu mối phân phối trong chuỗi cung ứng logistics tại Thừa Thiên Huế.

Ước tính trong năm 2022, lượng hàng thông qua cảng Chân Mây khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.

Thừa Thiên Huế cũng đã đăng ký với Bộ Công thương thực hiện quy hoạch trung tâm logistics hạng I, với diện tích khoảng 20ha tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. Phạm vi hoạt động của trung tâm logistics chủ yếu gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Đà Nẵng.

Mới đây, nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Bên cạnh đó, một hội nghị quy mô về xúc tiến đầu tư các hãng tàu container do UBND tỉnh tổ chức nhằm mời gọi nhiều hãng tàu container và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Tuy nhiên, để phát triển logistics đúng như mong muốn, đầu tiên, cần nhìn nhận khách quan về thực trạng của dịch vụ này tại Thừa Thiên Huế hiện nay để từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, thiếu hệ thống kho bãi, lượng hàng hóa chưa phong phú; chưa có hệ thống đại lý của các hãng tàu và các công ty logistics... Không chỉ vậy, hạn chế này còn là tình trạng thiếu hụt nhân lực cho các nhóm ngành: giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; vận tải hàng hóa; khai thác cảng và chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.

Tháo gỡ những vướng mắc trên, trước tiên cần đảm bảo kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và hạ tầng phục vụ phát triển logistics; kết nối giao thông đồng bộ giữa cảng biển, cảng hàng không với các đầu mối vận tải hàng hóa, các trung tâm, đơn vị logistics một cách thông suốt; đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics; phát triển mạnh mẽ logistics 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng). Qua đó, đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành góp phần tăng GDP hàng năm của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch nguồn quỹ đất đủ lớn và có những cơ chế – phương án ưu tiên dành quỹ đất thích hợp để phát triển, đáp ứng các yêu cầu về kinh tế – kỹ thuật, tiếp nhận – tập kết, lưu giữ – phân phối hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiết giảm chi phí trong chuỗi cung ứng logistics. Trong quy hoạch quỹ đất vùng hậu phương cảng biển có định hướng ưu tiên giao đất cho các doanh nghiệp cảng, vì đây chính là đầu mối phân phối trong chuỗi cung ứng logistics.

Con người là chìa khóa cho mọi cánh cửa phát triển. Điều này cũng không ngoại lệ trong phát triển dịch vụ logistics. Năm 2020, Trường đại học Kinh tế - ĐH Huế bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, số sinh viên theo học đến nay chưa đến 200 người, dẫn tới nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho ngành này còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này đồng nghĩa, cần đẩy mạnh hơn công tác quảng bá, thu hút sinh viên theo học ngành này.

Là địa phương mới bắt tay “làm” logistics này, vậy nên, để phù hợp và bắt kịp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thừa Thiên Huế nên có cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dịch vụ logistics và thành lập một đội “đặc nhiệm” chuyên trách cung cấp các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics...

Người trẻ khởi nghiệp từ lĩnh vực logistics cũng là phạm vi đáng quan tâm. Ngoài các chính sách ưu đãi, có thể hỗ trợ vốn hay những điều kiện làm việc ban đầu cho các cá nhân, đơn vị có các giải pháp liên quan đến dịch vụ logistics hoặc có các ứng dụng về công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức... để làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics cho Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Nhân Phong

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
Khánh thành trạm biến áp 110kV tại Phong Điền

Chiều 1/12, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành Dự án (DA) trạm biến áp (TBA) 110kV khu công nghiệp (KCN) Phong Điền. Tổng Giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư, cùng đại diện các ban, ngành, đơn vị liên quan đến dự, cắt băng khánh thành.

Khánh thành trạm biến áp 110kV tại Phong Điền
Gam sáng trong sản xuất công nghiệp

Nhiều dự án công nghiệp (CN) trọng điểm đi vào hoạt động, cùng với đó là tín hiệu khởi sắc từ các ngành CN truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đóng góp rất tích cực của ngành CN vào sự tăng trưởng chung.

Gam sáng trong sản xuất công nghiệp
Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

Chất lượng nước thải, đặc biệt là nước thải tại các nhà máy, cơ sở, sản xuất khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là mối quan tâm của nhiều người. Nếu các yêu cầu từ đầu ra của nước thải không đạt quy chuẩn môi trường sẽ tác động đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Có nên mua máy cưa panel saw Thước Kẹp mua máy hút bụi nhà xưởng công suất lớn, hiệu suất caoCông ty bao bì Khởi Phát Bàn nâng thủy lực Naltako ê tô Công Ty Dịch vụ kỹ thuật việt nam Vinatesco quạt trần động cơ gearbox Order 1688 tại Cbay Logistics nhanh chóng https://wonil.vn/ Bảng giá vận chuyển quốc tế mới nhất 2024
Return to top