ClockChủ Nhật, 25/12/2022 14:21

Khai trương tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây

TTH.VN - Chuyến tàu Hải An View với sức chứa 1.577 TEU cập cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) sáng 25/12 đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến cảng Chân Mây.

Mở tuyến container nội địa tại cảng Chân MâyĐường sắt khai trương đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ

Thị trường tiềm năng

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu ấn nút khai trương tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây

Công ty CP vận tải & xếp dỡ Hải An (Cty Hải An) là một trong những hãng vận chuyển container lớn nhất Việt Nam. Việc đón chuyến tàu đầu tiên Hải An View với sức chứa 1.577 TEU cập cảng Chân Mây sáng 25/12, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container: Hải Phòng - Chân Mây (Huế) – TP. Hồ Chí Minh định tuyến 2 chuyến/tuần đánh dấu việc mở tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung.

Theo ông Dương Bá Hòa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Chân Mây, trên cơ sở khảo sát, hàng hóa qua cảng tăng đều hàng năm, dẫn đến thực trạng kẹt cầu, không đủ bến cho tàu làm hàng, có những tàu phải chờ cầu bến hoặc tàu đang làm hàng phải rời bến để nhường bến cho tàu khách.

Trước nhu cầu bức thiết đó, từ quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các sở ban ngành hữu quan, cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng Bến số 2 với cầu tàu dài 280m hướng định vị sản phẩm phát triển dịch vụ hàng container, thu hút hàng hóa 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hành lang kinh tế Đông – Tây; xây dựng đê chắn sóng để đảm bảo điều kiện định tuyến cho tàu container. Sự quan tâm của tỉnh còn thể hiện qua việc Thừa Thiên Huế đã ban hành chính sách nhằm bù đắp một phần chi phí cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các doanh nghiệp có container qua Cảng Chân Mây.

Tàu Hải An View sức chứa 1.577 TEU cập cảng Chân Mây sáng 25/12

Để làm được hàng container, cảng Chân Mây đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.

Theo ông Dương Bá Hòa, thời gian đến, Cảng Chân Mây có chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container…để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu. Tiếp tục xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng.

Sự kiện đón chuyến tàu container Hải An View đầu tiên của Hãng tàu Hải An cập cảng khẳng định tiềm năng, lợi thế của Chân Mây, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới, cho thấy Huế sẽ là thị trường tiềm năng hấp dẫn, thu hút các hãng tàu thế giới vào Chân Mây, qua đó nâng sức cạnh tranh của cụm cảng trong khu vực miền Trung và Chân Mây từ đây sẽ là một đầu mối cho các chuyến tàu đi các nước.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại lễ khai trương

Ghi nhận, biểu dương sự đồng hành của Cty Hải An tiên phong mở tuyến, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đánh giá, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy, phát triển cảng Chân Mây và cả Thừa Thiên Huế; tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khu vực Bắc miền Trung và nước bạn Lào cũng như tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Để tuyến vận tải này đảm bảo duy trì và hoạt động tốt hơn nữa, ông Phan Quý Phương đề nghị trong thời gian tới, cảng Chân Mây sớm hoàn thành các hạng mục và lộ trình đầu tư bổ sung các dịch vụ đảm bảo khai thác hàng container trong giai đoạn tiếp theo; nhất là phải có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ các hãng tàu, các khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao; tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả góp phần giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp; tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng, xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để tăng lợi thế cạnh tranh dịch vụ logistics quốc tế.

Huế sẽ là thị trường tiềm năng hấp dẫn, thu hút các hãng tàu thế giới vào Chân Mây

Khi hãng tàu Hải An đi vào hoạt động ổn định tại cảng Chân Mây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập hàng hóa trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận và nước bạn Lào tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa; đóng góp vào ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giảm tải cho các phương tiện giao thông đường bộ, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cũng đề nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, các sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải và đối tác cùng hợp tác, chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng; là trung tâm kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho miền Trung, trong đó, cần ưu tiên, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, như: Hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp, phát triển hệ thống cổng thông tin E-logistics…

Cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, hội đủ các điều kiện và có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền quốc tế khu vực châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á, cảng Chân Mây nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc); hội đủ các điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho Thừa Thiên Huế và cả nước. 


HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành phố Huế, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy họp bàn đẩy nhanh tốc độ phát triển KT- XH

Sáng 10/10, Thành ủy Huế tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 14 (mở rộng) khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tham dự và chủ trì hội nghị có UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định; đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố và các ban ngành trên địa bàn.

Thành phố Huế, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy họp bàn đẩy nhanh tốc độ phát triển KT- XH

TIN MỚI

Return to top