ClockThứ Bảy, 29/07/2023 06:22

Phú Vang “tăng tốc” triển khai chương trình OCOP

TTH - Phú Vang xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội sinh và gia tăng giá trị, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm mới được “tăng tốc” triển khai, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Phú Vang triển khai Chương trình OCOP năm 2023

leftcenterrightdel
 Phú Vang xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP

Ngày 13/7, UBND huyện Phú Vang đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023-2025, tuyên truyền đến các ban ngành, các địa phương và chủ thể kinh tế để tích cực tham gia; đưa chương trình OCOP trở thành chương trình quan trọng, phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng lợi ích cho cộng đồng, dân cư.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang: Những sản phẩm OCOP của Phú Vang đã được công nhận như: Gạo Phú Hồ (đạt chuẩn 3 sao); nước mắm Như Ý của xã Phú Thuận; nước mắm Làng Trài của xã Phú Hải; mắm dưa cà Vinh An; nước mắm Lú của Hợp tác xã (HTX) nước mắm Phú Thuận (đã hoàn thiện chuẩn 5 sao, đang trình Bộ NN&PTNT công nhận theo thẩm quyền)..., đang ngày càng chiếm được sự ưa chuộng và lựa chọn của người tiêu dùng.

Thực tế những năm qua, đến Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An trong thời gian chuẩn bị cho cái tết Nguyên đán, bất cứ ai cũng sẽ “vui lây” với không khí hối hả, khi người dân địa phương gấp rút chuẩn bị sản phẩm OCOP nước mắm, mắm dưa cà để “trả hàng” cho những đơn đặt hàng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thậm chí “đi ra” nước ngoài. Hương vị đậm đà, đặc trưng của sản phẩm đã “lan tỏa” sự yêu thích và lựa chọn. Bánh tét làng Chuồn (xã Phú An), dù chưa phải là sản phẩm OCOP, nhưng bao năm qua cũng đã xây dựng được uy tín và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; tiêu thụ hàng ngày và đặt hàng số lượng rất lớn dịp tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Vang cho biết: Hiện nay, huyện đang xúc tiến và triển khai các sản phẩm chủ lực ở các xã, đặc biệt những sản phẩm có thế mạnh đặc trưng và có hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương. Đó là “Nước mắm” Phú Diên của HTX chế biến Phú Diên; “Dưa hấu Phú Diên”; “Gạo Phú Mỹ” của HTX nông nghiệp Phú Mỹ; “Gạo Vinh Hà” của HTX nông nghiệp Vinh Hà; “Rau các loại sản xuất theo hướng VietGAP Vinh Thanh” như rau thơm, tía tô…; “Gạo Phú Gia” của HTX nông nghiệp Phú Gia; “Dưa lê Vinh Xuân”… Điển hình là các sản phẩm “Khoai lang Phú Xuân”; “Nấm rơm Phú Lương” của HTX nông nghiệp Phú Lương 1.

Khoai lang Phú Xuân trồng ở vùng đất ven phá, có mùi thơm, vị đậm, ngọt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng; nhu cầu của thị trường khá cao, thường xuyên “cháy hàng”. Huyện đã xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và sẽ triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, đẩy mạnh khâu quảng bá để nhiều người biết tới “Khoai lang Phú Xuân”, đồng thời kết nối, mở rộng thị trường. Tại các vùng đất ven phá, người dân các xã Phú Diên, Vinh Xuân cũng trồng khoai lang, chất lượng cơ bản tương tự Phú Xuân. Khi thực hiện sản xuất theo chuẩn, huyện sẽ chuyển giao quy trình chuẩn cho các đơn vị này, để đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm đặc trưng. Sau khi huyện mở rộng quy mô sản xuất, sẽ chuyển sang sơ chế như khoai lang khô, sấy hoặc các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, nấm rơm Phú Lương cũng là sản phẩm khá mạnh trên thị trường. Đặc biệt, đây là sản phẩm có lợi thế khi sử dụng được phụ phẩm nông nghiệp (rơm), để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; thực hiện chu kỳ sản xuất theo nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Mới đây, nấm rơm Phú Lương đã được đăng ký thương hiệu. Hiện, huyện tiếp tục hỗ trợ về chuẩn chất lượng và đang cố gắng hỗ trợ vấn đề chế biến (như sấy khô), để có sản phẩm duy trì.

“Trên cơ sở các sản phẩm định hướng nêu trên, huyện đang tiếp tục hỗ trợ như hướng dẫn đăng ký nhãn mác, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng…, để đảm bảo đưa ra thị trường, thiết kế bao bì sản phẩm, tính tiện lợi, bắt mắt để thu hút khách hàng. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành để triển khai xúc tiến thương mại (như hỗ trợ tham gia các hội chợ của huyện). Vừa qua, huyện Phú Vang đã xây dựng trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của địa phương; giới thiệu, quảng bá để các sản phẩm này đến gần người dân hơn; đơn vị sản xuất có những doanh số tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

Để việc triển khai các sản phẩm OCOP mới được thuận lợi, hiện nay UBND huyện tiếp tục rà soát nhu cầu sử dụng đất của các HTX, mục đích mở rộng, xây dựng trụ sở, kho, bến bãi, nhà máy chế biến… Sau khi cơ quan có chức năng, thẩm quyền, thẩm tra về nhu cầu sử dụng đất phù hợp, sẽ trình cho UBND tỉnh cho thuê đất, theo quy định.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

TIN MỚI

Yến sào LifeNest
Return to top