ClockThứ Năm, 08/10/2020 06:09
THỊ TRƯỜNG HÀNG LƯU NIỆM VÀ QUÀ TẶNG:

Thiếu sản phẩm đặc trưng - kì 1: Chưa có “đất diễn”

TTH - Huế là cái nôi của gần trăm nghề và làng nghề truyền thống (LNTT) cùng với đội ngũ thiết kế hùng hậu, từ các nghệ nhân, thợ thủ công đến sinh viên các trường đại học. Song khách du lịch vẫn không biết lựa chọn quà tặng gì khi đến Huế.

Sản phẩm mây tre đan kém phần sang trọng khi các cơ sở sản xuất chưa đầu tư bao bì đóng gói

Để hoàn thiện bộ sưu tập hàng lưu niệm và quà tặng (LN & QT), hằng năm, Sở Công thương tổ chức các hội thi, hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sản xuất đầu tư thiết kế sản phẩm, hỗ trợ vốn khuyến công trang bị máy móc thiết bị nhằm tạo ra sản phẩm mới. Song, sản phẩm quà tặng chưa xứng tầm.

Đơn điệu, cồng kềnh

Điêu khắc gỗ, hoa giấy hay đồng mỹ nghệ được xem là những món quà tặng ý nghĩa, tinh tế và đẹp mắt có mặt ở hầu hết các shop quà tặng. Đó là sản phẩm vừa mang tính trang trí, vừa thể hiện nét đặc trưng văn hóa Huế gắn với các làng nghề nổi tiếng, như điêu khắc Mỹ Xuyên, hoa giấy Thanh Tiên, đúc đồng Phường Đúc...

Qua nhiều năm nghiên cứu và thiết kế, các nghệ nhân sáng tạo ra hàng chục mẫu mới, song như hoa giấy Thanh Tiên, do kích cỡ hoa khá lớn và chưa đầu tư bao bì đóng gói phù hợp nên sản phẩm chưa thể mang đi xa.

Với kích cỡ cồng kềnh, khách du lịch rất khó vận chuyển và mang sản phẩm điêu khắc gỗ khi rời Huế

Thừa Thiên Huế có khoảng 90 làng nghề, trong đó có trên 50 nghề truyền thống với đông đảo đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Tuy nhiên, cũng như hoa giấy Thanh Tiên, các sản phẩm làng nghề, như đệm bàng, gốm sứ, mây tre đan, tranh thêu…vẫn chưa có sức hút khi các cơ sở chỉ chú trọng đến số lượng mà bỏ quên mẫu mã và bao bì đóng gói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, hằng năm, các ban ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hội thi lựa chọn thiết kế mẫu hàng LN & QT nhằm tìm ra các sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc văn hóa Huế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Song, sản phẩm vẫn đơn điệu, cồng kềnh.

Theo ông Hoa, hiện có khá nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp, tinh xảo có thể làm hàng LN & QT phục vụ đối tác của tỉnh hay đáp ứng nhu cầu khách du lịch, như: tranh thêu, điêu khắc gỗ, đồng mỹ nghệ, hoa giấy... Song với tư duy sản xuất những “cái mình có” chứ chưa chú trọng những gì “thị trường cần”, các sản phẩm này chưa trở thành quà tặng. Khách du lịch không thể mang cả pho tượng gỗ nặng vài chục kg hay xách một sản phẩm đồng mỹ nghệ được gói trong túi ni lông để lên máy bay, làm quà tặng cho đối tác, bạn bè!?

Chưa có “đất diễn”

Mây tre đan Bao La là sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) gắn liền với nghề thủ công truyền thống của người dân huyện Quảng Điền. Tại các cuộc thi thiết kế hàng LN & QT do Sở Công thương tổ chức và các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, sản phẩm của HTX Mây tre đan Bao La đều đạt giải và bình chọn cấp quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề Huế trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc HTX Võ Văn Dinh, với hơn 100 thợ thủ công, nghệ nhân có tay nghề, mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 5 tỷ đồng và sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố. Thế nhưng, do Huế chưa có trung tâm trưng bày, thao diễn nghề, trong khi phí ký gửi sản phẩm TCMN tại các cơ sở kinh doanh khá cao, với mức phí từ 25- 30% trên giá trị sản phẩm nên đơn vị không ký gửi mà chủ yếu phục vụ khách ngay tại cơ sở sản xuất.

Với mức phí được xem là quá cao, việc ký gửi hàng để quảng bá, tiêu thụ khi không có nơi trưng bày gây không ít khó khăn cho cơ sở sản xuất hàng LN & QT. Ngoài việc ký gửi tại các cửa hàng lưu niệm, để được quảng bá và bán hàng, nhiều cơ sở đã ký gửi sản phẩm tại hệ thống khách sạn và phải trả mức phí trên 30% dẫn đến giá trị sản phẩm bị nâng lên quá cao so với ban đầu. Để sản phẩm tiếp cận với du khách, các cơ sở phải trả hoa hồng trên giá trị sản phẩm cao gấp 2-3 lần tiền thuê nhân công để sản xuất. Đây cũng là lý do khiến nhiều sản phẩm quà tặng khi đến tay du khách đều có giá đắt, dẫn đến sức mua giảm sút.

Theo nhà thiết kế áo dài Đoan Trang, một chiếc áo dài truyền thống được cắt may, thiết kế công phu, tiền công may chỉ 500 ngàn đồng, trong khi đưa qua ký gửi tại khách sạn phải trả mức phí 700 ngàn đồng. Vì vậy, một chiếc áo dài cơ sở niêm yết giá 2 triệu đồng thì khi trưng bày, khách sạn sẽ tự động nâng lên thành 2,7- 3 triệu đồng. Giá quá cao nên dù thích, khách chủ yếu cũng chỉ… ngắm.

Qua khảo sát, trên địa bàn chưa có trung tâm trưng bày, giới thiệu hàng LN & QT và không gian thao diễn nghề dành cho nghệ nhân nên muốn quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch, các cơ sở sản xuất phải ký gửi sản phẩm ở các khách sạn và nhà sách. Đối với các trung tâm mua sắm lớn, như chợ Đông Ba, điểm bán hàng lưu niệm ở các di tích, sân bay, nhà ga, sản phẩm nhập ở tỉnh nào về Huế bán chạy thì các cơ sở đặt hàng nên hàng lưu niệm “made in Huế” có mặt rất ít tại các kệ hàng.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, thời gian qua, các làng nghề và cơ sở sản xuất TCMN có chuyển mình tích cực, một số nghề và LNTT đã nuôi được nghề và làm giàu bằng chính nghề truyền thống của cha ông. Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của các cơ sở sản xuất, nghệ nhân còn có sự chung tay hỗ trợ của các địa phương, nguồn vốn khuyến công để đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến sản phẩm LN & QT chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Thanh, hiện nhiều làng nghề vẫn dậm chân tại chỗ và một số mặt hàng có nguy cơ không thể cạnh tranh với sản phẩm các tỉnh, thành phố khác do mẫu mã chưa đa dạng và thiếu bao bì đóng gói mang tính thẩm mỹ cao. Nguyên nhân là do nhân lực trong thời gian dài “nghề không nuôi được nghề” nên phân tán và đi làm nghề khác. Nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư máy móc và một số nghề vẫn giữ tư duy truyền nghề trong dòng họ.

Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh, quà tặng đòi hỏi mẫu mã phải đẹp, nhẹ, dễ vận chuyển, dễ tặng và dễ trưng bày. Hơn nữa, hàng TCMN chủ yếu phục vụ du lịch nên phải đáp ứng các tiêu chí của quà tặng, phải thể hiện nét đặc trưng và gắn với di sản Huế.

Kì 2: Cần chiến lược dài hơi

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp

Gần đây, nhiều gia đình ưa chuộng xu hướng thiết kế nội thất với hệ thống chiếu sáng đa lớp. Ý tưởng này giúp không gian nội thất được bao trùm bởi nhiều mức độ ánh sáng khác nhau, không giới hạn thời gian.

Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

Một cặp rồng với kích thước lớn - linh vật biểu tượng của năm Thìn đang được tạo hình trước sự tò mò của người dân lẫn du khách. Cặp rồng này được đặt tại không gian khoảng sân lớn đối diện cổng Trường Quốc Học trên đường Lê Lợi, TP. Huế.

Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

TIN MỚI

Return to top