ClockChủ Nhật, 01/05/2022 15:20

“Xanh hóa” ngành dệt may

TTH - “Xanh hóa” ngành dệt may đang là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp (DN) buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Công đoàn Dệt may Việt Nam phát động Tháng Công nhânCông ty CP Dệt may Huế thích ứng trong bình thường mớiXu thế tiêu thụ “xanh”

Sản xuất hàng dệt may tại Khu công nghiệp Phú Đa

Tuân thủ các tiêu chí

Dệt may được xem là một trong những ngành công nghiệp quan trọng khi số lượng DN đông, kim ngạch xuất khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng ổn định. Với Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 60 nhà máy sản xuất hàng dệt may, đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giải quyết việc làm cho 23 ngàn lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì ngành dệt may tác động mạnh đến môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng và đa dạng nhiên liệu như điện, than, dầu… để gia nhiệt trong sản xuất.

Công ty TMHH MTV Sơn Hà Huế là DN dệt may luôn chú trọng đến các tiêu chí “xanh hóa” trong sản xuất. Từ khi thành lập, DN đã đầu tư trạm xử lý nước thải (XLNT) có kiểm tra thông số theo quý để đảm bảo không xả các chất thải nguy hại ra môi trường. Đơn vị còn mời Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động & bảo vệ môi trường miền Trung đến đánh giá mức độ tiếng ồn, khói bụi, CO2, NH3 nhằm đảm bảo môi trường làm việc cho 1.400 lao động. Các thiết bị hiện đại để tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, nguyên, phụ liệu và thân thiện môi trường cũng được DN đưa vào trong quá trình sản xuất.

Theo Chủ tịch công đoàn công ty, ông Lê Văn Khánh, riêng với chương trình “xanh hóa”, một mặt DN luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Mặt khác, DN cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…

Hiện, toàn bộ hệ thống nhà máy của DN đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện, rất nhiều khách hàng yêu cầu phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy, đây chính là mục tiêu mà DN tập trung triển khai trong thời gian tới.

Đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, song lại là rào cản lớn nhất hiện nay đối với các DN vì phải dành khoản đầu tư lớn cho máy móc, công nghệ.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, ông Hồ Nam Nhật, hơn 100 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Do đó, yêu cầu các DN may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, nhà máy phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chăm lo đời sống cho người lao động. Các hoạt động của nhà máy đều gắn trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Ông Nhật cho rằng, việc tuân thủ những quy tắc của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết. Đồng thời uy tín, thương hiệu của DN sẽ ngày càng tốt hơn và có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhãn hàng, các tổ chức quốc tế.

Để gia tăng xuất khẩu

Hiện các nhãn hàng trên thế giới đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu khi sản phẩm của DN được đưa ra tiêu thụ trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, đồng thời tăng uy tín và thương hiệu của ngành dệt may đối với người tiêu dùng. Vì vậy, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA, trong đó phải đầu tư cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống XLNT, sử dụng nhiên liệu sạch, đào tạo đội ngũ lao động… 

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong, xanh hóa ngành dệt may, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu là cách để DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời gia tăng các đơn hàng lớn.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài đầu tư công nghệ hiện đại, thay thế dần các thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng, tiêu tốn sức lao động và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, DN tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chi phí gồm chi phí vật tư phụ tùng, bao bì, tiêu hao điện, tiêu hao nguyên liệu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục triển khai và hoàn thiện công tác 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động, duy trì các hoạt động chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo thu nhập tương xứng với thị trường để thu hút lao động trẻ, lao động kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển của nhà máy.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, với hơn 60 nhà máy may hoạt động trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 23 ngàn lao động, vấn đề “xanh hóa” ngành dệt may đóng vai trò quan trọng nên Ban thường xuyên triển khai thẩm định các tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các DA tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. UBND tỉnh quy định chặt chẽ vấn đề XLNT ra môi trường, nhằm bảo vệ môi trường xung quanh cũng như giúp DN đáp ứng các yêu cầu của đối tác.

Trong đó, đối với những DA đã đưa vào hoạt động chưa đầu tư hệ thống XLNT ra môi trường theo tiêu chí xả thải Cột A thì yêu cầu phải đầu tư, đối với các DA mới bắt buộc phải đầu tư hệ thống XLNT Cột A và các thiết chế văn hóa, nhà ở cho người lao động...

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó

TIN MỚI

Return to top