Đánh giá về phát triển kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong bối cảnh tác động dịch COVID-19, công tác chỉ đạo và điều hành năm 2020 của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”.
Bước vào 2021 với tâm thế lạc quan
Nếu 6 tháng đầu năm 2020, ưu tiên hướng đến kiểm soát tốt dịch bệnh thì nửa cuối năm chứng kiến những thay đổi trong cách thức điều hành, hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định, tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế.
Việt Nam bước vào năm 2021 với khá nhiều sự lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế.
Ý tưởng về gói hỗ trợ lần 2 với liều lượng đủ lớn và đủ mạnh đã được cân nhắc, thảo luận, hướng tới đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ là kích thích kinh tế", ông Dương đánh giá.
Kết quả, tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Kết quả tăng trưởng của Việt Nam ít nhiều được đánh giá khá tích cực.
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ.
"Dù bối cảnh kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 còn nhiều bất định, những thành tựu và kinh nghiệm quan trọng trong năm 2020 giúp Việt Nam bước vào năm 2021 với khá nhiều sự lạc quan", ông Dương đánh giá.
Những tín hiệu lạc quan đó là kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô vẫn được giữ gìn, củng cố. Đặc biệt, Việt Nam lại nằm trong nhóm các nước châu Á phục hồi sớm trong bối cảnh COVID-19.
Trong bối cảnh ấy, ông Dương khuyến nghị: Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vi mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
'Không chủ quan, thỏa mãn'
Đại diện CIEM cũng cho rằng, Việt Nam đã thực hiện các FTA quan trọng như CPTPP, EVFTA... Điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận các thị trường hấp dẫn. Những cơ hội từ hội nhập và cải cách kinh tế trong nước là to lớn, song không thể tự hiện thực hóa. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể tin vào tiềm năng của Việt Nam trong quá trình hội nhập, song các tiềm năng ấy chỉ trở thành triển vọng và hiện thực hóa trong một môi trường chính sách phù hợp.
Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhấn mạnh, môi trường chính sách ấy phải gắn với những thay đổi rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thân thiện, khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương nhưng nếu nhìn sâu thì về cơ bản, cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh "chưa có gì để nói ta có nhiều thay đổi căn bản về chất". Do đó, chúng ta không nên chủ quan, thỏa mãn với việc Việt Nam đã lọt vào nhóm nước tăng cao nhất thế giới. Chúng ta cần rất thận trọng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng không muốn xem xét khiếm khuyết, hạn chế để đẩy mạnh cải cách.
TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng chúng ta đừng quá chủ quan, tự mãn bởi nếu có tư tưởng đó cái giá phải trả rất đắt. Theo ông, giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế Việt Nam không gì khác là cải cách thể chế, làm cho bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chính sách luật pháp phù hợp, môi trường kinh doanh được cải thiện để giúp DN tiết giảm chi phí.
Về dòng vốn FDI, ông Bá đồng thuận với chủ trương thu hút FDI có chất lượng nhưng cũng nhấn mạnh tới việc cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là chính sách để hình thành những doanh nghiệp lớn.
Song song với đó, ông Bá cũng đề nghị chính phủ chú trọng phát triển nông nghiệp, vì đây là lĩnh vực căn cơ trong khi giai đoạn hiện nay và tới đây, tình hình thế giới vẫn bất định.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, bên cạnh đối mặt với rủi ro chính từ bên ngoài như dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang khó đoán định thì những vấn đề nội tại trong nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được giải quyết như: thu hút FDI chưa tăng như kỳ vọng, khối DN (nhất là DN nhỏ và vừa) chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, trong khi triển khai gói hỗ trợ còn chậm.
Do vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đang thực hiện, đồng thời tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường còn tiềm năng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh...
Theo DNVN