Mặc dù dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài để phòng dịch nhưng giá lương thực, thực phẩm nhìn chung không biến động nhiều.
“Giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021 - 2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm dù thời điểm tháng 8 và 9/2021, diễn biến dịch rất phức tạp. Đặc biệt, Chính phủ đồng ý phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... là các nguyên nhân chính giúp CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2021 tăng 2,06%; CPI bình quân quý 3/2021 tăng 2,51%”, bà Tạ Thị Thu Việt cho biết.
Mặc dù giãn cách xã hội kéo dài, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm ổn định. Trong 9 tháng năm nay, giá thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 7,22%; giá thịt gà giảm 0,98%. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, nên giá vé máy bay 9 tháng năm nay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%...
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. “Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung đã phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và giá gas tăng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Tuy nhiên biến động của giá xăng dầu cũng góp phần làm tăng CPI. Trong 9 tháng năm nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm.
Ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ đã khiến giá dịch vụ giáo dục 9 tháng năm nay tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm).
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Tết Nguyên đán và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội làm cho giá gạo 9 tháng năm 2021 tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm)…
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, giá vàng thế giới tăng do đồng USD suy yếu cùng với việc thị trường chứng khoán, tài chính rối loạn trong bối cảnh Evergade, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng. Tính đến ngày 26/9/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.790,93 USD/ounce, tăng 0,14% so với tháng 8/2021.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 9/2021 ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 11,83%. Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tháng Tám tăng, thêm vào đó các nước bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ làm cho nội tệ tăng giá đẩy USD giảm. Tính đến ngày 26/9/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 92,73 điểm, giảm 0,08 điểm so với tháng trước.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.928 VND/USD. Trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,88%.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức