Giới thiệu sản phẩm mới tới khách hàng
Sáng tạo mỗi ngày
Dịp cuối tuần, tôi gặp Trương Thị Lệ - một cô gái tôi quen khi tham gia lớp trải nghiệm về thêu tay cách đây không lâu. Lúc ấy, Lệ là chủ một shop thời trang trẻ em và là bà chủ của một quán cà phê check-in ở Phú Thuận, Phú Vang. Sau một thời gian "biệt vô âm tín” khi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do dịch, rồi ảnh hưởng của mưa bão, Lệ “tái xuất” với vai trò một Founder (nhà sáng lập) cho sản phẩm Trà Định Viên.
Theo chia sẻ của Lệ, trong thời gian dịch bệnh, đầu vào của shop thời trang gặp khó nên phải trả mặt bằng, còn quán cà phê cũng tan hoang sau trận bão năm 2021. Thời gian đó, Lệ toàn tâm, toàn ý lo cho cho gia đình. Lệ có cơ hội tiếp xúc nhiều với gừng, sả và các thảo mộc để tăng sức đề kháng cho cả nhà. Tuy nhiên, mỗi lúc cần dùng đều phải đun đun, nấu nấu khá bất tiện, Lệ quyết tâm mày mò tìm kiếm cho mình một công thức riêng, làm nên một loại trà viên nén có thể sử dụng ngay và có thể mang đi đến khắp mọi nơi, với thời gian bảo quản tối ưu nhất.
Ý tưởng khởi nghiệp trên lĩnh vực mới cũng định hình từ đó và cô gái ấy bắt tay nghiên cứu sản phẩm. Sau vài lần va vấp, thông qua phản hồi từ người thân, khách hàng, sản phẩm trà viên nén dần hoàn thiện. Đến nay, sản phẩm của Lệ đã có mặt ở siêu thị Co.op mart Huế và rất nhiều cửa hàng quà tặng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Hay như câu chuyện tự đổi mới mỗi ngày của Phạm Thị Diệu Huyền, chủ doanh nghiệp Mộc Truly, người mà theo cảm nhận của riêng tôi là “thiên biến vạn hóa” trong kinh doanh, bởi sau mỗi lần gặp, tôi lại thấy ở chị những điều rất “lạ”.
Không chỉ bắt tay khôi phục những sản phẩm bánh, kẹo đã thất truyền làm sản phẩm quà tặng, chị còn thổi hồn vào từng sản phẩm một câu chuyện rất riêng. Mộc Truly còn là doanh nghiệp tiên phong trong tiếp cận và phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và là một trong số ít sản phẩm khởi nghiệp có thể xuất khẩu sang Mỹ. Và chị cũng là một trong số ít doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên đầu tư và định hình trang bán hàng trên Tiktok, một xu hướng bán hàng mới và hiệu quả nhất hiện nay.
“Ngày mai mình sẽ làm gì để doanh nghiệp phát triển là câu hỏi thường trực của mình mỗi đêm. Do vậy, mình luôn hướng mình và các cộng sự vào môi trường luôn học hỏi và đón nhận những cái mới để làm mới doanh nghiệp mỗi ngày” chị Huyền bộc bạch.
Đưa dấu ấn cá nhân vào sản phẩm
Làm mới mình, học hỏi không ngừng chính là cách mà các doanh nghiệp bước vào cuộc "đua" trong bối cảnh hội nhập.
Câu nói “trong thế giới mà các ý tưởng sáng tạo bị copy-paste cực kỳ nhanh như hiện nay, thì đặt mình trong tư duy luôn mới là cần thiết và phải làm mới theo cách rất riêng để không có sự copy-paste nào có thể làm mờ thương hiệu của mình được” của Hồ Thị Sương Lan, Công ty TNHH Marie’s phần nào chứng minh cho sự khốc liệt của thị trường. Và chỉ cần quên đổi mới, ngừng sáng tạo chúng ta sẽ trở thành “người tối cổ”.
Với lối tư duy ấy, Sương Lan cùng đội ngũ cộng sự bắt tay làm mới cỏ bàng, đưa cỏ bàng lên đỉnh cao mới, mà theo cách nói của cô là “mang đến một cuộc đời mới cho cỏ bàng”.
Thay vì chỉ dừng lại ở những sản phẩm thô đơn điệu, Sương Lan tìm đến những họa sĩ, thợ may lành nghề để tạo nên các họa tiết vẽ bằng tay trên túi cho cỏ bàng, cải tiến cho ra sản phẩm mới với thiết kế “không giống ai”. Và chính dấu ấn cá nhân, mới lạ đã tạo được sức hút lớn với khách hàng của Marie’s.
Thế mới biết, trong xu thế hiện nay, đổi mới không là chưa đủ mà doanh nghiệp phải đổi mới trong sáng tạo mới có thể tạo nên những điểm nhấn trong kinh doanh. Và để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, các hoạt động đồng hành của chính quyền, các tổ chức cũng đã có những đổi mới, những sáng tạo rất riêng.
Việc ra mắt Hue Innovation Hub - nơi kết nối, thúc đẩy, ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp; mạng lưới kinh tế tuần hoàn và các diễn đàn đổi mới sáng tạo… trở thành những cánh tay sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Và chính trong nội tại của những tổ chức này cũng đã có những đổi mới, sáng tạo để thích ứng và đồng hành tốt nhất cho doanh nghiệp.
Nói như ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động hỗ trợ hiện nay đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Vì thế, hỗ trợ cái mình có đã lạc hậu, mà thay vào đó phải hỗ trợ cái doanh nghiệp cần. Việc bắt tay hỗ trợ 1:1, hỗ trợ từng chuyên đề nhỏ để gỡ từng điểm vướng của doanh nghiệp đang là bước ngoặt thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương và cũng là thúc đẩy chính quyền đổi mới sáng tạo.
Bài, ảnh: Hoàng Loan