Nước ta có nhiều loại trái đặc sản và trước quả vải đã có nhiều loại trái cây được xuất khẩu. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trong mấy tháng đầu năm 2015, có 4 loại trái cây tươi, gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và xoài được xuất khẩu vào 4 thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đạt trên 945 tấn, bằng 25,8% so với cả năm 2014. Đây là minh chứng thuyết phục về chất lượng trái cây Việt Nam đủ sức thỏa mãn những người tiêu dùng khó tính nhất.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, nhất là đối với các loại trái cây mới, thị trường mới mở, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho cả người trồng lẫn doanh nghiệp xuất khẩu. Đơn cử như quả vải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị không thu phí, lệ phí kiểm dịch thực vật đối với các lô quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không; các đơn vị bố trí nhân lực, trang thiết bị làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhanh nhất cho các lô quả vải tươi xuất khẩu, kể cả làm ngoài giờ, ngày nghỉ và ngày lễ.
Thực tế, trái cây Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng để xuất khẩu được lại cả câu chuyện dài. Trước hết, để xuất khẩu được vào các thị trường khó tính, phải đảm bảo các yêu cầu về vùng trồng, kích cỡ, chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, cơ sở đóng gói, chiếu xạ kiểm dịch... Mới nghe đã ù tai, nản lòng. Trong khi đó, tập tục canh tác của nông dân nước ta lại chưa đáp ứng các điều kiện trên. Vì vậy, để hội nhập thế giới, vấn đề đặt ra cần quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, gắn với việc áp dụng các quy trình trồng, chăm sóc hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo quy luật thị trường, sản xuất, tiêu thụ quy mô lớn sẽ giản chi phí và ngược lại chi phí sẽ tăng cao, làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm. Chẳng hạn, với quả vải, số lượng xuất khẩu chỉ vài trăm tấn so với sản lượng trên 250 nghìn tấn mỗi năm thì khó kỳ vọng có sự thay đổi về hiệu quả kinh tế.
Cũng ở góc độ thị trường, xuất khẩu là một hướng tích cực nhưng không phải là tất cả. Với một đất nước trên 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường được nhiều quốc gia nhắm tới và có không ít loại trái cây ngoại đã được tiêu thụ ở nước ta. Vấn đề đặt ra là làm sao để sản phẩm này đến tay người dân một cách thuận lợi. Một cách làm hay của các tỉnh trồng vải là ký kết với TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ quả vải tươi. Với các loại trái cây có mùa thu hoạch tập trung như dưa hấu, nếu được tổ chức tiêu thụ tốt sẽ không có chuyện dưa hấu ùn lên biên giới, đến bị thối rồi đổ đi; hay là những chuyến xe dưa “từ thiện” ấm tình, chỉ là giải pháp tình thế. Giải quyết đầu ra ngay trong nước chính là cách làm hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân...