ClockThứ Sáu, 16/09/2022 14:48

Đa dạng giải pháp huy động vốn

TTH - Để tăng cường dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân và tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động (LSHĐ), nhiều ngân hàng còn đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tiết kiệm dự thưởng…

Huy động vốn làm hạ tầng giao thông đường bộHuy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: MC

Nhiều chương trình khuyến mãi

Khảo sát tại các ngân hàng trong những ngày đầu tháng 9/2022 cho thấy, lãi suất tiết kiệm (LSTK) tiếp tục được điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, biểu lãi suất tại MB được điều chỉnh tăng mạnh, với mức tăng từ 0,2 – 0,95% tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 3 tháng, LSTK tăng 0,2% lên 3,8%; kỳ hạn 6 tháng LSTK tăng 0,43% lên 5,3%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53% lên 6,1%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,95% lên 6,7%/năm…

Biểu LSTK bằng đồng VNĐ mới nhất tại Sacombank cũng có những điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm so với cùng kỳ tháng 8/2022. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm và lần lượt niêm yết ở mức 5,4%/năm, 6,0%/năm, 6,4%/năm.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê tỉnh, hiện, LSHĐ bằng VNĐ tối đa trên thị trường là 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức tối đa 3,7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4,0-5,9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,7-6,7%/năm. LSHĐ đô la Mỹ phổ biến bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 0,0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân, lãi suất cho vay (LSCV) USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Nếu như các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tập trung điều chỉnh LSHĐ thì các NHTM có vốn Nhà nước lại khá thận trọng trong việc tăng LSHĐ. Trước thực tế mặt bằng lãi suất liên tục tăng cao, các nhà băng này đều đã tung các chương trình khuyến mãi, dự thưởng khi gửi tiết kiệm nhằm hút khách hàng gửi tiền. Đây được đánh giá là phương án giảm được áp lực tăng LSCV nhưng vẫn tạo được sức hút cho khách hàng gửi tiền.

Hiện Vietcombank đang tung ra chương trình khuyến mãi “gửi tiền trúng tiền” với 11.010 giải thưởng tiền chuyển khoản, tổng trị giá giải thưởng gần 4 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm. Khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng với kỳ hạn 1 tháng trở lên sẽ được cấp mã dự thưởng để quay thưởng mỗi tháng. Đặc biệt, khi gửi tiết kiệm với kỳ hạn trên 3 tháng, khách hàng sẽ được nhân đôi số mã dự thưởng để có cơ hội trúng thưởng cao hơn. Vào ngày vàng (thứ năm hằng tuần), tất cả các khoản tiền gửi từ 50 triệu đồng với kỳ hạn 1 tháng trở lên sẽ đều được nhân đôi số mã dự thưởng; gửi kỳ hạn dài (trên 3 tháng) sẽ được nhân 4 lần số mã dự thưởng.

Agribank cũng triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng “cùng Agribank – tăng nhanh tài lộc” từ ngày 1/9/2022 đến ngày 15/11/2022 với hơn 24 nghìn cơ hội trúng nhiều giải thưởng giá trị, tổng giá trị giải thưởng 12,1 tỷ đồng. Trước đó, từ ngày 25/7/2022 đến hết ngày 11/11/2022, Agribank triển khai chương trình tiền gửi tiết kiệm dự thưởng “mùa hè xanh – tăng nhanh tích lũy” với tổng giá trị giải thưởng12,1 tỷ đồng, tổng số lượng giải thưởng là 24.067 giải. Ngân hàng này cũng phát triển các sản phẩm huy động vốn mới như tiền gửi trực tuyến “gửi tiết kiệm online +0,3% lãi suất”, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn Agribank “đầu tư thông minh, sinh lời vượt trội”, tiết kiệm linh hoạt được rút trước hạn và hưởng nguyên lãi suất trên số tiền gốc còn lại, phát hành trái phiếu riêng lẻ Agribank 2022…

Khách hàng đang có những ưu tiên nhất định trong đầu tư

Tiền gửi vẫn tăng trưởng

Trước động thái tăng LSHĐ, các chuyên gia ngân hàng đánh giá, một trong những nguyên nhân thúc đẩy LSHĐ tăng trở lại là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Vì thế, các ngân hàng cần nâng LSHĐ để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) phục hồi và phát triển nên các ngân hàng phải đẩy mạnh hoạt động huy động vốn.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8/2022 trên địa bàn ước đạt 59,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,44% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động ở mức 6,44% chứng tỏ người dân vẫn ưu tiên dòng tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm bởi hoạt động sinh lời tại các kênh đầu tư khác chưa thật sự ổn định. Trong khi, nhiều ngân hàng đã liên tục tăng biểu LSHĐ từ cuối năm ngoái đến nay, có kỳ hạn tăng đến gần 1%/năm, khiến kênh gửi tiền trở nên hấp dẫn và là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm hiện nay.

Tăng LSHĐ cũng tạo nên sức ép không nhỏ khiến LSCV tăng theo. Theo nhận định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc NHNN Thừa Thiên Huế, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành dù lãi suất thế giới tăng mạnh nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tập trung vốn cho lĩnh vực SXKD, các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ việc tăng mạnh lãi suất của các nước trên thế giới, mặt bằng LSCV trong nước chỉ tăng tương đối nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng quá trình phục hồi.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Thông tin doanh nghiệp:
Vận Chuyển Xuyên Biên Giới: Giải Pháp Kết Nối Kinh Tế Toàn Cầu Và Những Thách Thức Cần Giải Quyết

Vận chuyển xuyên biên giới đã trở thành yếu tố quan trọng giúp kết nối thị trường quốc tế, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược vận chuyển phù hợp giúp tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế số hiện đại. Trong bài viết này, hãy cùng EFEX tìm hiểu fulfillment là gì và làm sao để tận dụng tối đa dịch vụ này trong quá trình vận chuyển xuyên biên giới.

Vận Chuyển Xuyên Biên Giới Giải Pháp Kết Nối Kinh Tế Toàn Cầu Và Những Thách Thức Cần Giải Quyết
Return to top