ClockThứ Năm, 24/03/2022 13:39

Huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 479.600 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa cần huy động khoảng 204.615 tỷ đồng.

Hoàn thành dự án Nhà ga T2 Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài vào cuối năm 2022Chốt tiến độ nhiều hạng mục quan trọng dự án sân bay Long Thành

Huy động vốn xã hội hóa như thế nào?

Theo rà soát của Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN - Bộ GTVT), trong tổng số vốn trên, ngoài 109.000 tỷ đồng đầu tư cho sân bay Long Thành (một đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga T1), số tiền đầu tư khu phía Bắc, nhà ga hành khách T3 và khu bay phía Nam của sân bay Nội Bài là hơn 96.500 tỷ đồng. Danh sách các sân bay khác có nhu cầu đầu tư ở mức chục nghìn tỷ đồng trở lên gồm: Tân Sơn Nhất (hơn 12.200 tỷ đồng), Cam Ranh (gần 20.000 tỷ đồng), Đà Nẵng (hơn 18.800 tỷ đồng), Cát Bi (hơn 10.600 tỷ đồng), Vinh (hơn 14.400 tỷ đồng), Phú Bài (hơn 13.300 tỷ đồng), Phú Quốc (hơn 12.600 tỷ đồng), Phan Thiết (gần 11.000 tỷ đồng).

Công trường Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương về đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng các cảng hàng không, trong điều kiện ngân sách Nhà nước bố trí chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu. Việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không không phải là vấn đề mới, song việc huy động vốn để xây dựng các: Đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… thời gian qua chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Bên cạnh đó, do đặc thù kết cấu hạ tầng càng hàng không có chi phí đầu tư lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn không cao, nên không hấp dẫn nhà đầu tư; nhà đầu tư chỉ tập trung thực hiện đầu tư tại một số công trình có nguồn thu cao, không áp dụng mô hình toàn cảng, nên chưa phát huy hết hiệu quả và giảm áp lực gánh nặng về vốn cho Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.

Do vậy, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên hoàn thiện hệ thống luật pháp, điều chỉnh, bổ sung Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo hình thức PPP để quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; xây dựng phương án sử dụng kết cấu hạ tầng cảng hàng không hiện có để tham gia dự án đầu tư theo hình thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để tổ chức đấu thầu nhượng quyền đầu tư, khai thác.

Đồng thời, Bộ GTVT xây dựng Đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng càng hàng không, trong đó, xác định danh mục dự án và lộ trình huy động nguồn vốn. Cụ thể, năm 2023 hoàn thành cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về nhượng quyền đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng càng hàng không. Năm 2026 hoàn thành thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng càng hàng không theo phương thức PPP; phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác và phương thức đầu tư trực tiếp tại các càng hàng không của Việt Nam từ 20,5% lên 24,9%.

Phân loại cảng hàng không để huy động vốn xã hội hóa

CHKVN vừa trình Bộ GTVT Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, kiến nghị phân loại 21 sân bay hiện hữu do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý thành 5 nhóm.

Nhóm 1 gồm các sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Long Thành, Tân Sơn Nhất. Đây là các cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 25 triệu hành khách/năm.

Nhóm 2 gồm các sân bay: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đây là các sân bay có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý.

Nhóm 3 gồm các sân bay: Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, vốn là các cảng hàng không ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm.

Nhóm 4 gồm các sân bay: Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Cần Thơ, có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư, không có hoạt động quân sự thường xuyên.

Nhóm 5 là các cảng hàng không mới như: Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như: Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.

Định hướng huy động vốn đầu tư các dự án hạ tầng hàng không, CHKVN đề xuất đối với nhóm 1, Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư khu bay; ACV bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại; huy động 100% nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không theo hình thức đầu tư kinh doanh.

Đối với nhóm 2, trường hợp Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay cho Bộ GTVT hoặc địa phương quản lý, sẽ huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ sân bay theo hình thức PPP sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án. Với nhóm 3 và nhóm 4, CHKVN, Bộ GTVT chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP. Riêng nhóm 5, CHKVN kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư, chủ động huy động, tổ chức thực hiện đầu tư.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam
Các hãng hàng không cần tăng cường sử dụng nhiên liệu bền vững

Theo một nghiên cứu của nhóm vận động giao thông và môi trường có trụ sở tại Brussels, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới vẫn chưa nỗ lực hết sức trong tiến trình chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đồng thời, các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng các nhà sản xuất dầu hiện đang đầu tư quá ít vào quá trình chuyển đổi này.

Các hãng hàng không cần tăng cường sử dụng nhiên liệu bền vững

TIN MỚI

Return to top