|
Trồng rừng gỗ lớn là hướng đi của nhiều HTX hiện nay |
Hướng đến chuỗi giá trị
Nằm ở vùng bán sơn địa, HTX Nông nghiệp Phù Bài (TX. Hương Thủy) có tổng diện tích 763,5ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 450ha rừng trồng. Riêng HTX quản lý 120ha, chủ yếu là rừng keo. Để hỗ trợ cho các hộ dân trong các khâu dịch vụ trồng rừng, HTX xây dựng tổ dịch vụ lâm nghiệp.
Việc tổ dịch vụ lâm nghiệp gồm trồng rừng và bảo vệ rừng ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với bà con, thành viên HTX ở vùng gò đồi này. HTX bước đầu không chỉ tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai mà còn giúp cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, cung ứng dịch vụ phân bón, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm của rừng trồng.
Từ năm 2015, HTX đưa vào khai thác 3ha rừng keo, tiến hành khai thác nhựa thông và thanh lý 9,78ha rừng thông với doanh thu 489 triệu đồng. Năm 2016, HTX khai thác 5,4ha rừng keo, thanh lý 7,91ha rừng thông, ước tính doanh thu trên 800 triệu đồng. Bình quân, đối với rừng keo cho thu lãi từ 65-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đẩy mạnh việc chăm sóc, phát triển và quản lý rừng có hiệu quả, hiện HTX vận động 50 hộ thành viên tham gia chương trình xây dựng chứng chỉ rừng (PESC) với diện tích 250ha, trong đó hộ có diện tích lớn nhất là 8ha và hộ có diện tích nhỏ nhất là 0,5ha.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng dự án FFD/Agricord Phần Lan, HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ (Phong Điền) đã tiến hành xây dựng lập vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Từ năm 2012, vườn ươm ban đầu chỉ với 200m2 với 1.500 cây bố mẹ, sản lượng vẫn còn ở mức thấp chỉ đạt 15 ngàn hom/năm. Năm 2015, HTX đã nâng mức sản lượng từ 15 ngàn hom lên 60 ngàn hom/năm.
Với bước đầu việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từ cây lâm nghiệp, HTX mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư 150 triệu đồng xây dựng vườn mươm trên 0,8ha. Từ đó cung ứng giống cây lâm nghiệp cho thành viên, vừa đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh vừa tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng theo hướng bền vững từ khâu giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, những năm qua, HTX đã sản xuất được 200 ngàn cây hom giống keo lai. Hộ thành viên HTX có nguồn giống đạt chuẩn chất lượng, có chứng chỉ, nguồn gốc rõ ràng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX bước đầu liên kết với các đơn vị khác, đầu tư trang, thiết bị, cơ sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Các HTX cũng bước đầu tìm kiếm được thị trường đầu ra cho sản phẩm. ..
Đa dạng mô hình
Ông Trần Lưu Quốc Doãn thông tin: Toàn tỉnh hiện có 222 HTX, trong đó có 184 HTX dịch vụ nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi...), 6 HTX thủy sản, 4 HTX chế biến, 28 HTX lâm nghiệp bền vững...
Các HTX nông nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì tổ chức sản xuất, thực hiện các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên. HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong hỗ trợ thành viên, đặc biệt vào những lúc khó khăn, cấp bách do ảnh hưởng của thiên tai, nhanh chóng có mặt kịp thời xử lý các sự cố kênh mương, nội đồng, góp phần giảm thiểu những tổn thất do thời tiết gây ra.
Đối với HTX lâm nghiệp bền vững đang làm tốt thu mua, tiêu thụ gỗ rừng trồng thuận lợi, giá cả tăng 15% so với trước đây, tác động tích cực đến các thành viên, người dân trồng rừng gỗ lớn. Thừa Thiên Huế phát triển các HTX lâm nghiệp là hướng đi mới vừa đảm bảo trồng rừng bền vững, bảo vệ môi trường vừa nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao theo các tiêu chuẩn chứng chỉ rừng FSC, PEFC... Nhờ vậy, đã thu hút doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vào thị trường các nước như Mỹ, Nhật và châu Âu.
Các hoạt động của HTX chủ yếu là khai thác bán nguyên liệu thô, chưa tổ chức chế biến nhằm nâng cao giá trị gỗ. Nhu cầu lớn hiện nay của các HTX lâm nghiệp là việc thuê đất tại các địa phương để xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sân bãi tập kết nguyên liệu và làm dịch vụ vườn ươm cây giống, cây chất lượng cao cho các thành viên và hộ trồng rừng tại chỗ. Nhưng nhiều HTX vẫn đang còn nhiều vướng mắc về cơ chế giao đất, thuê đất nên chưa thực hiện được.
Toàn tỉnh có 56 HTX về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, điện, tài nguyên, môi trường. Trong trạng thái “bình thường mới”, các HTX trong lĩnh vực này đã và đang từng bước khôi phục lại sản xuất, mở rộng thị trường và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Nhìn chung, chất lượng hoạt động của các HTX từng bước được nâng lên, cán bộ thành viên đã nhận thức được nhu cầu và mục đích tham gia HTX. Một số HTX mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất, kinh doanh mới, tích cực tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.