ClockThứ Ba, 17/09/2024 06:56
KINH TẾ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP:

Chưa đáp ứng yêu cầu - Kỳ 2: Gỡ khó để phát triển

TTH - Cần vốn, nhân lực để tháo gỡ khó khăn, hạn chế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) theo mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi cung ứng, “chuỗi giá trị”, ứng dụng công nghệ cao… là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp.

Kinh tế hợp tác xã nông nghiệp: Chưa đáp ứng yêu cầu - Kỳ 1: Khó khăn lưu cữu

 Sản phẩm OCOP của HTX Nông sản Nam Đông

Cần được cấp đất, vay vốn

Ông Hồ Công Trình, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Thành Công cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế HTXNN không còn con đường nào khác phải đa dạng hóa mô hình hoạt động SXKD. Trong đó, tập trung đầu tư tạo ra nguồn sản phẩm đạt chất lượng, chủ lực, sản phẩm OCOP. Định hướng của HTX tiếp tục xây dựng khoảng 13ha dưa hấu hữu cơ, an toàn thực phẩm và 18ha khoai lang đỏ để xây dựng, đăng ký tiêu chuẩn OCOP.

Để mở rộng quy mô SXKD, HTX cần được cấp 17ha mặt nước đầm phá để đầu tư nuôi trồng thủy sản xen ghép. Tuy nhiên, để nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, HTX cần nguồn vốn vay khoảng 1 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đã có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Các cấp, ban ngành sớm cấp GCNQSDĐ và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà làm việc, thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động SXKD. Chính quyền địa phương có biện pháp tạo nguồn cán bộ điều hành, quản lý HTX nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển theo xu thế mới.

Với hoàn cảnh tương tự, ban quản lý, giám đốc nhiều HTXNN trên địa bàn tỉnh như HTXNN Bắc Vinh (Quảng Điền), HTXNN Thuận Hòa (TP. Huế)… đều chia sẻ khó khăn do thiếu vốn, thiếu nhân lực, chưa có điều kiện thế chấp ngân hàng phục vụ phát triển SXKD. Ông Nguyễn Xuân Viên, Trưởng ban Kiểm soát - HTXNN Thuận Hòa kiến nghị, các cấp, ban ngành sớm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để HTX có đủ năng lực, nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Trước mắt, cần cấp giấy CNQSDĐ, hỗ trợ kinh phí xây nhà làm việc, bố trí đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, có tâm huyết với kinh tế HTXNN.

Ông Phan Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền đề xuất, trước nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại bấy lâu nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế HTXNN trên địa bàn. Phải có các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, cán bộ HTX và người dân hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn để thành viên thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào HTX, tăng cường sự gắn bó của thành viên đối với kinh tế HTX.

Theo ông Nam, các cấp, ban ngành thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, địa phương về đất đai, vốn, đào tạo nhân lực, tập huấn, thành lập mới HTX, hỗ trợ thỏa đáng để đưa cán bộ trẻ có trình độ, chuyên môn, tâm huyết về làm việc cho HTX. Đặc biệt, cần lồng ghép nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu lại nông nghiệp để đầu tư, hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn an toàn. Các HTX được định hướng, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo “chuỗi giá trị”.

Đa dạng hóa loại hình

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong thời gian đến là đẩy mạnh phát triển HTXNN mang lại hiệu quả, đa dạng hóa loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, thành phần kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân phù hợp với điều kiện từng địa phương. HTXNN được xây dựng theo hướng phát triển hợp lý và bền vững gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tỷ trọng đóng góp của HTXNN ngày càng cao trong tổng sản phẩm của tỉnh.

Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đã và đang tổ chức rà soát, bổ sung phương án SXKD, điều lệ HTX cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ như tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, tổ chức sản xuất cho thành viên để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, liên kết sản xuất theo “chuỗi giá trị” sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTXNN và thu nhập của thành viên.

Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp vận động, hỗ trợ thành lập mới các HTXNN tại các địa phương chưa có hình thức kinh tế hợp tác nhằm đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tham gia vào hình thức kinh tế hợp tác. Việc thành lập mới các HTX tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chuyên sản xuất giống cây, con giống nhằm hỗ trợ thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông sản có lợi thế của địa phương.

Các HTX trung bình, yếu được hỗ trợ xây dựng lại phương án SXKD cho phù hợp với từng HTX để phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và thành viên. HTX hoạt động phải gắn với phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, các HTX phải chủ động lập kế hoạch, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, tiếp cận thông tin thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động SXKD. HTXNN tiếp tục triển khai chính sách, vận động, thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo phù hợp về làm việc tại HTXNN.

Mỗi địa phương, cấp xã có HTX, nhất là HTX lâm nghiệp bền vững cần quy hoạch vùng đất để các HTX thuê xây dựng trụ sở, nhà xưởng sơ chế, chế biến, bãi tập kết nguyên liệu và khu phát triển sản xuất. HTX phát triển gắn với vùng nguyên liệu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: “Giải quyết, tháo gỡ rốt ráo những vấn đề trên sẽ góp phần rất lớn giúp HTXNN phát triển hiệu quả và bền vững”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (Nghị quyết 05) được ban hành đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương nói chung và các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có tại địa phương. Nhưng để mang lại hiệu quả lâu dài, vẫn cần nhiều giải pháp.

Khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có
Đa dạng loại hình kinh tế hợp tác xã

Đa dạng hóa mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu hiện nay đang được nhiều HTX lựa chọn.

Đa dạng loại hình kinh tế hợp tác xã
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE:
Cần sự hợp lực từ nhiều phía

Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên để có thể phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK). Quan trọng là cách kết hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có.

Cần sự hợp lực từ nhiều phía
Return to top